Dấu hiệu hồi sinh
Nếu như tranh Đông Hồ in trên giấy điệp, tranh Hàng Trống sử dụng giấy dó, thì tranh Kim Hoàng in trên giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu. Đây là lý do tranh Kim Hoàng được gọi là “tranh đỏ”, tranh của lễ, Tết, hội hè. Ở tranh Kim Hoàng, nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy, rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người, tạo nên sự phóng khoáng cho bức tranh. Đề tài trong tranh Kim Hoàng là những hình ảnh cuộc sống mộc mạc, đơn sơ, quen thuộc của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Trên tranh có đề những câu thơ chữ Hán viết theo lối chữ thảo in ở góc mỗi bức tranh.
NXB Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội vừa ra mắt cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” - kết quả của Dự án Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng do nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội chủ trì. Cuốn sách là cái nhìn tổng thể về nguồn gốc dòng tranh dân gian Kim Hoàng, cách in tranh truyền thống, những khó khăn khi bảo tồn và hướng phát triển dòng tranh này trong đời sống hiện đại. Theo TS. Trần Hậu Yên Thế (Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội), cuốn sách ra đời là một nỗ lực để khẳng định vị trí của dòng tranh này trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam.
Giá trị là vậy, song theo Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa, đến thời điểm hiện nay, chỉ một số ít gia đình giữ được ván in và còn rất ít người làm tranh. “Năm 1915, nạn lụt lớn, đê Liên Mạc bị vỡ đã cuốn trôi nhiều ván in của làng Kim Hoàng. Sau đó mất mùa, đói kém, lại chiến tranh, dòng tranh Kim Hoàng mai một. Để làm sống lại dòng tranh từng có nguy cơ thất truyền, năm 2016, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã phối hợp với nhiều nhà nghiên cứu, họa sĩ, nghệ nhân đầu tư công sức, thời gian để xây dựng Dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng. Kể từ khi dự án được triển khai, tranh Kim Hoàng đã có dấu hiệu hồi sinh”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa cho rằng, tạo mẫu tranh là chìa khóa cho sự sống sót của Kim Hoàng. Những bức tranh theo truyền thống trước đây có quá ít mẫu mã, bán tốt nhất là tranh gà, tranh lợn, thần canh cửa trên tổng số hơn 100 bức còn được lưu lại. “Hiện nay thị hiếu người dân ưa chuộng tranh con giáp, năm nào sẽ bán chạy tranh con giáp năm đó; tranh thờ, tranh trấn trạch. Cũng vì thế, các nghệ nhân tranh dân gian và họa sĩ đã giúp đỡ chúng tôi sáng tạo, thiết kế các mẫu tranh vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính thời đại nhằm tìm chỗ đứng cho dòng tranh dân gian Kim Hoàng trong đời sống đương đại”.
Tiếp biến và sáng tạo
Đóng góp vào quá trình sáng tạo mẫu tranh Kim Hoàng có họa sĩ Nguyễn Xuân Lam (Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam). Vào tháng 7 - 8.2021, họa sĩ Xuân Lam phối hợp với các nghệ nhân thực hiện bộ tranh 12 con giáp theo phong cách Kim Hoàng. Chín con giáp là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân được Xuân Lam ra mẫu trên máy dựa trên tạo hình khúc chiết của hai bản vẽ lợn và Thần Kê còn lưu truyền đến ngày nay. Riêng con giáp Thìn sử dụng mẫu từ tượng rồng thời Lý, mẫu Tuất lấy cảm hứng từ con nghê ở đền vua Đinh, đền vua Lê (Ninh Bình) do nghệ nhân Đào Đình Trung thực hiện nhân dịp xuân Mậu Tuất 2018. Từ những bản vẽ nét này, các nghệ nhân đã làm ván khắc in tranh hoặc vẽ tay theo mẫu rồi tô màu thủ công.
“Chúng tôi quan niệm, tranh dân gian cần sự tiếp biến và sáng tạo chứ không chỉ khuôn định theo những gì cha ông đã tạo ra. Có như vậy sức sống của tranh dân gian Việt Nam nói chung, tranh Kim Hoàng nói riêng, mới khởi sắc”, họa sĩ Xuân Lam nói.
Dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng không dừng lại ở việc sử dụng các màu truyền thống với sắc đỏ, vàng, mà các họa sĩ còn phối các khối màu lạ để hấp dẫn người chơi tranh. Nhóm thực hiện dự án sau nhiều thử nghiệm đã tìm ra cách sử dụng những loại màu khoáng tự nhiên giúp tranh càng để lâu màu càng trong và rực rỡ. Cùng với đó là những kỳ công trong phục chế bản khắc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, để có bản khắc tranh Gà như hiện tại, dù rằng chưa thực sự ưng ý nhưng những người làm dự án đã phải nhờ đến gần 30 người, trong đó có cả các nghệ nhân lâu năm của tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, phục hồi được 33 mẫu tranh khắc gỗ. Dự án cũng phối hợp với các họa sĩ tranh khắc gỗ Việt Nam để sáng tạo thêm những mẫu tranh Kim hoàng mới”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ, khác với 30 dòng tranh dân gian Việt Nam khác, tranh Kim Hoàng gần như biến mất kể từ lần xuất hiện vào Tết năm 1947. “Câu chuyện của tranh dân gian Kim Hoàng không chỉ là lịch sử tranh dân gian Kim Hoàng, kỹ thuật sản xuất tranh... mà là câu chuyện phục hồi một dòng tranh dân gian. Công sức của các nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, các họa sĩ và nhân dân làng Kim Hoàng đã tạo nên một kỳ tích. Sau hơn 70 năm biệt tăm, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã trở lại để tự đi những bước đi đầu tiên ở thế kỷ XXI. 6 năm qua chưa phải là khoảng thời gian quá dài đối với một dòng tranh được khôi phục. Tôi hy vọng với sự nỗ lực của các nghệ nhân, trong đó có nghệ nhân Đào Đình Trung là người trẻ duy nhất của làng Kim Hoàng được đào tạo thành nghệ nhân theo dự án; cùng các nghệ nhân cao niên như cụ Trần Ếch, cụ Trần Sơn, ngọn lửa phục dựng, lưu giữ, truyền nghề sẽ cháy mãi ở làng Kim Hoàng”.