Vẻ đẹp riêng có của trang phục truyền thống

Toàn cầu hóa và sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang lâu nay khiến trang phục truyền thống của mỗi dân tộc dần bị lãng quên. Từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp cách mặc giống nhau. Một góc văn hóa sẽ nhạt phai nếu không có những nỗ lực đưa trang phục dân tộc trở lại.

Lưu giữ nét đẹp Việt qua trang phục Nguồn: ITN
Lưu giữ nét đẹp Việt qua trang phục
Nguồn: ITN

Chỉ dấu văn hóa

Trong lịch sử phát triển của mỗi dân tộc, trang phục là sản phẩm sáng tạo của con người trước điều kiện tự nhiên, thể hiện quan niệm về nhân sinh, thẩm mỹ... được hình thành, lưu giữ, truyền lại qua nhiều đời. Với Việt Nam, qua hàng nghìn năm lịch sử, văn minh trang phục đã phát triển rực rỡ, góp phần làm nên bản sắc riêng có. Mỗi tộc người, mỗi vùng miền nước ta có những y phục đặc trưng, tạo nên một kho tàng phong phú, nhiều màu sắc.

Trong thời điểm giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, trang phục truyền thống như chỉ dấu, là nét đặc trưng cần được gìn giữ, phát triển và quảng bá, nhằm phát huy nét riêng đặc sắc của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, y phục hiện đại lấn át kiểu mặc truyền thống.

Theo điều tra của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam mới đây, đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... ngày càng ít mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Thống kê của một số địa phương như Thái Nguyên, Nghệ An, Gia Lai... còn cho thấy có một số dân tộc ít người đã không lưu giữ được trang phục truyền thống. Do nhìn nhận y phục xưa là lạc hậu, thiếu tiện dụng, giới trẻ ngại ngần, thậm chí người lớn tuổi ở một số nơi không mặn mà chọn mặc, ngay cả trong những dịp lễ hội cổ truyền.

Trong cuốn sách “Tập tục đời người", nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng viết: " ...Ăn mặc không chỉ để tồn tại mà là một tập tục lớn, sự buông bỏ các tập tục ăn mặc cũng có nghĩa là bản sắc văn hóa riêng bị xóa nhòa, giống như các sắc tộc Mông, Dao, Tây Nguyên bây giờ mặc phổ thông, nếu như họ nói tiếng Việt (Kinh) thì chúng ta chẳng còn nhận ra bản sắc riêng của sắc tộc nữa”. Có thể thấy, với cách mặc giống nhau, người ta khó có thể nhận diện bản sắc, định danh dân tộc qua trang phục nữa.

Chia sẻ tại tọa đàm về áo dài ngũ thân nam mới đây, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng: “Y phục là văn hóa. Cách ăn, mặc ở mỗi dân tộc khác nhau, nếu chúng ta không giữ lấy, thì văn hóa của chúng ta thất thoát, không còn gì!” Tuy vậy, ông cũng bày tỏ niềm vui vì hiện nay ngoài những nơi sản xuất, nghệ nhân, nhà thiết kế, thì lớp trẻ đã bắt đầu có sự quan tâm tới trang phục của người Việt.

Đưa văn hóa dân tộc vào thiết kế hiện đại

Theo nhà thiết kế Xuân Thu: “Trang phục là văn hóa của chính mình, là sự ứng xử giao tiếp với những người xung quanh, cũng như với khí hậu, với thời tiết. Dù xuất hiện ở đâu tôi luôn muốn ghi dấu về hình ảnh cho mình từ trang phục. Trang phục mang thông điệp về các giá trị thuộc nền văn minh dân tộc đó là nghề dệt vải, nghề may, nghề thêu tay, là văn hóa, là thẩm mỹ của cá nhân...”

Cộng hưởng giới thiệu nét đẹp Việt, những năm qua, nhiều nhà thiết kế đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và sáng tạo, khai thác bản sắc văn hóa, như một cách đi tìm đặc trưng và tính cách dân tộc trong một thế giới ngày càng phẳng. Chẳng hạn, trong các mẫu thiết kế của mình, nhà thiết kế Xuân Thu đưa màu sắc của sơn mài, hay những câu chuyện về nghệ thuật dân gian của gốm Lý Trần, nét đẹp của thêu truyền thống lên tà áo dài Việt. Cũng trên tà áo dài, nhà thiết kế Huệ Thi đã lấy cảm hứng từ đờn ca tài tử Nam Bộ, sáng tạo các họa tiết đậm chất miền Tây. Chất liệu được cô chọn làm chủ đạo cho bộ sưu tập của mình là lụa Lãnh Mỹ A ở Tân Châu - An Giang, một loại lụa truyền thống nổi tiếng vùng đồng bằng Nam Bộ...

Nhưng trang phục Việt không chỉ có áo dài. Trong lịch sử nước ta còn có những y phục khác, như dưới thời nhà Nguyễn có áo Tấc và áo Nhật bình; áo Đối khâm ở thời nhà Lý - Trần hay áo Giao lĩnh ở cả nhà Lý - Trần - Lê… Đó là chưa kể tới rất nhiều phục trang của các tộc người trên dải đất hình chữ S.

Vài năm trở lại đây, không ít người nghiên cứu, dựng lại cổ phục, đưa nét độc đáo của dân tộc vào thiết kế hiện đại. Đặc biệt, những trang phục truyền thống dần được giới trẻ đón nhận, từ áo dài đến cổ phục đã xuất hiện trong các MV ca nhạc, trong đám cưới, hoạt động biểu diễn, chụp ảnh kỷ yếu... Những bộ đồ tưởng xưa cũ đã trở lại đời sống hiện đại và ngày càng được nhiều người biết đến hơn.

Nhà thiết kế Xuân Thu cho rằng: "Trang phục Việt Nam là vẻ đẹp riêng có bởi nó được hình thành từ nhu cầu của nhân dân trong lao động và các hoạt động văn hóa cộng đồng cho cá nhân hay gia tộc, có thể được đánh giá là một nghiên cứu mang tính khoa học của ngành thời trang. Giá trị nghiên cứu ấy đã đi vào đời sống và trở thành phong cách nền văn minh trang phục mặc của dân tộc. Đó là vẻ đẹp, là văn hóa, là thể diện của mỗi cá nhân hay đất nước, là cái để chúng ta tự hào, gìn giữ”.

Những tín hiệu tích cực hiện nay cho thấy y phục truyền thống có thể được lưu giữ, bảo tồn như một biểu tượng giá trị, đồng thời được phát huy nhằm thích ứng với đời sống hiện đại.

Văn hóa

Đưa chất liệu tơ tằm của Hà Nội vào thiết kế thương hiệu Malaika
Văn hóa - Thể thao

Đưa chất liệu tơ tằm của Hà Nội vào thiết kế thương hiệu Malaika

Chiều 25.11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( Sở NN và PTNT) TP. Hà Nội làm việc làm việc với bà Barbara Ebbli - Nhà sáng lập và thiết kế thương hiệu Malaika (Italia). Đây là một trong những hoạt động kết nối hợp tác nhằm đổi mới mẫu mã, thiết kế và nâng cao giá trị cho sản phẩm làng nghề.

Đừng để thuế thành rào cản phát triển văn hóa
Văn hóa - Thể thao

Đừng để thuế thành rào cản phát triển văn hóa

Theo chương trình dự kiến, chiều 26.11 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Một nội dung vẫn đang thu hút sự quan tâm là tăng thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ văn hóa - nghệ thuật từ 5% lên 10%. PGS. TS. BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, “tha thiết đề nghị xem xét cẩn trọng” nội dung này, tránh tạo rào cản trong phát triển văn hóa.

Trao giải Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Văn hóa - Thể thao

Trao giải Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng 25.11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu về nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tạo sức sống mới cho di sản văn hóa Huế
Văn hóa - Thể thao

Tạo sức sống mới cho di sản văn hóa Huế

Chiều 23.11, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” và công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể điện Thái Hòa.

Biến di sản thành “kho vàng, kho bạc”
Văn hóa - Thể thao

Biến di sản thành “kho vàng, kho bạc”

Chứa đựng những giá trị tinh thần sâu sắc của dân tộc, di sản văn hóa phi vật thể dù không có hình hài cụ thể, nhưng lại có thể được chuyển hóa thành tài sản vật chất, thành “kho vàng, kho bạc”. Khi được khai thác, di sản văn hóa phi vật thể sẽ trở thành cảm hứng sáng tạo nên sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk
Văn hóa - Thể thao

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk

Sáng 22.11, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22.11.1904 - 22.11.2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024).

Hình ảnh tại triển lãm 3D. ảnh: TTLTI
Văn hóa - Thể thao

Lịch sử Kiên Giang qua hình ảnh và tài liệu lưu trữ

Với hơn 200 tài liệu, bản đồ lần đầu tiên được công bố, triển lãm 3D trực tuyến “Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang xưa và nay” nhằm lan tỏa giá trị của tài liệu lưu trữ, tạo thuận lợi cho người xem dễ dàng tiếp cận thông tin về địa giới hành chính Kiên Giang qua các thời kỳ.