Chỉ dấu văn hóa
Trong lịch sử phát triển của mỗi dân tộc, trang phục là sản phẩm sáng tạo của con người trước điều kiện tự nhiên, thể hiện quan niệm về nhân sinh, thẩm mỹ... được hình thành, lưu giữ, truyền lại qua nhiều đời. Với Việt Nam, qua hàng nghìn năm lịch sử, văn minh trang phục đã phát triển rực rỡ, góp phần làm nên bản sắc riêng có. Mỗi tộc người, mỗi vùng miền nước ta có những y phục đặc trưng, tạo nên một kho tàng phong phú, nhiều màu sắc.
Trong thời điểm giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, trang phục truyền thống như chỉ dấu, là nét đặc trưng cần được gìn giữ, phát triển và quảng bá, nhằm phát huy nét riêng đặc sắc của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, y phục hiện đại lấn át kiểu mặc truyền thống.
Theo điều tra của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam mới đây, đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... ngày càng ít mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Thống kê của một số địa phương như Thái Nguyên, Nghệ An, Gia Lai... còn cho thấy có một số dân tộc ít người đã không lưu giữ được trang phục truyền thống. Do nhìn nhận y phục xưa là lạc hậu, thiếu tiện dụng, giới trẻ ngại ngần, thậm chí người lớn tuổi ở một số nơi không mặn mà chọn mặc, ngay cả trong những dịp lễ hội cổ truyền.
Trong cuốn sách “Tập tục đời người", nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng viết: " ...Ăn mặc không chỉ để tồn tại mà là một tập tục lớn, sự buông bỏ các tập tục ăn mặc cũng có nghĩa là bản sắc văn hóa riêng bị xóa nhòa, giống như các sắc tộc Mông, Dao, Tây Nguyên bây giờ mặc phổ thông, nếu như họ nói tiếng Việt (Kinh) thì chúng ta chẳng còn nhận ra bản sắc riêng của sắc tộc nữa”. Có thể thấy, với cách mặc giống nhau, người ta khó có thể nhận diện bản sắc, định danh dân tộc qua trang phục nữa.
Chia sẻ tại tọa đàm về áo dài ngũ thân nam mới đây, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng: “Y phục là văn hóa. Cách ăn, mặc ở mỗi dân tộc khác nhau, nếu chúng ta không giữ lấy, thì văn hóa của chúng ta thất thoát, không còn gì!” Tuy vậy, ông cũng bày tỏ niềm vui vì hiện nay ngoài những nơi sản xuất, nghệ nhân, nhà thiết kế, thì lớp trẻ đã bắt đầu có sự quan tâm tới trang phục của người Việt.
Đưa văn hóa dân tộc vào thiết kế hiện đại
Theo nhà thiết kế Xuân Thu: “Trang phục là văn hóa của chính mình, là sự ứng xử giao tiếp với những người xung quanh, cũng như với khí hậu, với thời tiết. Dù xuất hiện ở đâu tôi luôn muốn ghi dấu về hình ảnh cho mình từ trang phục. Trang phục mang thông điệp về các giá trị thuộc nền văn minh dân tộc đó là nghề dệt vải, nghề may, nghề thêu tay, là văn hóa, là thẩm mỹ của cá nhân...”
Cộng hưởng giới thiệu nét đẹp Việt, những năm qua, nhiều nhà thiết kế đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và sáng tạo, khai thác bản sắc văn hóa, như một cách đi tìm đặc trưng và tính cách dân tộc trong một thế giới ngày càng phẳng. Chẳng hạn, trong các mẫu thiết kế của mình, nhà thiết kế Xuân Thu đưa màu sắc của sơn mài, hay những câu chuyện về nghệ thuật dân gian của gốm Lý Trần, nét đẹp của thêu truyền thống lên tà áo dài Việt. Cũng trên tà áo dài, nhà thiết kế Huệ Thi đã lấy cảm hứng từ đờn ca tài tử Nam Bộ, sáng tạo các họa tiết đậm chất miền Tây. Chất liệu được cô chọn làm chủ đạo cho bộ sưu tập của mình là lụa Lãnh Mỹ A ở Tân Châu - An Giang, một loại lụa truyền thống nổi tiếng vùng đồng bằng Nam Bộ...
Nhưng trang phục Việt không chỉ có áo dài. Trong lịch sử nước ta còn có những y phục khác, như dưới thời nhà Nguyễn có áo Tấc và áo Nhật bình; áo Đối khâm ở thời nhà Lý - Trần hay áo Giao lĩnh ở cả nhà Lý - Trần - Lê… Đó là chưa kể tới rất nhiều phục trang của các tộc người trên dải đất hình chữ S.
Vài năm trở lại đây, không ít người nghiên cứu, dựng lại cổ phục, đưa nét độc đáo của dân tộc vào thiết kế hiện đại. Đặc biệt, những trang phục truyền thống dần được giới trẻ đón nhận, từ áo dài đến cổ phục đã xuất hiện trong các MV ca nhạc, trong đám cưới, hoạt động biểu diễn, chụp ảnh kỷ yếu... Những bộ đồ tưởng xưa cũ đã trở lại đời sống hiện đại và ngày càng được nhiều người biết đến hơn.
Nhà thiết kế Xuân Thu cho rằng: "Trang phục Việt Nam là vẻ đẹp riêng có bởi nó được hình thành từ nhu cầu của nhân dân trong lao động và các hoạt động văn hóa cộng đồng cho cá nhân hay gia tộc, có thể được đánh giá là một nghiên cứu mang tính khoa học của ngành thời trang. Giá trị nghiên cứu ấy đã đi vào đời sống và trở thành phong cách nền văn minh trang phục mặc của dân tộc. Đó là vẻ đẹp, là văn hóa, là thể diện của mỗi cá nhân hay đất nước, là cái để chúng ta tự hào, gìn giữ”.
Những tín hiệu tích cực hiện nay cho thấy y phục truyền thống có thể được lưu giữ, bảo tồn như một biểu tượng giá trị, đồng thời được phát huy nhằm thích ứng với đời sống hiện đại.