Theo Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, quyển I, cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần thú phương Nam, tới miền Ngũ Lĩnh, gặp con gái bà Vụ Tiên, đem lòng yêu thích, lấy về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, sớm tỏ ra thông minh nhanh nhẹn. Đế Minh thấy thế lấy làm lạ, cho nối ngôi vua, nhưng Lộc Tục nhường cho anh là Đế Nghi, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì vậy lập Đế Nghi thay mình cai trị đất Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, ấy là Lạc Long Quân, thay cha trị nước. Như vậy, Rồng chỉ Lạc Long Quân và Tiên chỉ Âu Cơ. Về khái niệm “cháu Hồng”, trong sách Lĩnh Nam chích quái có phần Hồng Bàng thị (họ Hồng Bàng) giải thích, người Việt chúng ta thuộc họ ấy. Chữ Hồng xuất phát từ Hồng Bàng. Chúng ta có họ Lạc, họ Hồng, và thuộc dòng dõi của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Từ những dẫn giải trên, Ts Đinh Hồng Hải đặt câu hỏi: Vậy vật tổ của người Việt có phải là chim Lạc không? Người Việt có vật tổ không? Từ Lạc, theo giải thích của Ts Đinh Hồng Hải từ góc độ nghiên cứu biểu tượng, có hai cách tiếp nhận, một là con chim Lạc, hai là họ của Lạc Long Quân. Trên thực tế, mặc nhiên chúng ta tiếp nhận cả hai cách lý giải như thế. Hình tượng chim Lạc từng xuất hiện trong các tác phẩm của Gs Đào Duy Anh: Lịch sử cổ đại Việt Nam (1956), Nguồn gốc dân tộc Việt Nam (1958). Theo đó, ông đã căn cứ vào thư tịch cổ Trung Hoa gọi dân tộc ta là dân tộc Lạc Việt rồi sáng tác ra huyền thoại về những người Lạc Việt có nguồn gốc ở Giang Nam (chỉ chung vùng đất ở phía nam sông Dương Tử, tức Trường Giang). Hàng năm theo gió mùa, giống “hậu điểu” theo theo đường biển di cư sang miền Bắc nước ta. Người Việt cổ cũng theo giống chim trong cuộc di cư ấy. Gs Đào Duy Anh viết: “Những hậu điểu khắc trên trống đồng chính là vật tổ (totem) của những chủ nhân trống đồng, tức là người Lạc Việt”. Và: “Cái hình thuyền với các thủy thủ kỳ hình quái trạng chạm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là tiêu biểu cho những con thuyền chở tổ tiên họ (tức người Lạc Việt) từ bờ biển Giang Nam đến miền quê hương mới (tức miền Bắc Việt Nam) cũng như những con chim bay và chim đậu chạm ở mặt trống đồng chính là hình chim Lạc vật tổ của người Lạc Việt”.
Tuy nhiên, kết luận của Gs Đào Duy Anh đã không nhận được sự đồng tình của Gs Kiều Thu Hoạch trong bài viết in Tạp chí Văn hóa Dân gian năm 2009. Gs Kiều Thu Hoạch khẳng định: “cách Gs Đào Duy Anh gọi chữ Lạc là Lạc Việt hay chữ Lạc chỉ vật tổ của người Việt đều không liên quan gì đến hình tượng chim”. Các tác giả chép đi chép lại rất nhiều nhưng đều dựa trên ý kiến của Gs Đào Duy Anh: chim Lạc là loài chim xuất phát từ vùng Giang Nam (Trung Quốc), di cư sang đất của người Việt. Người Lạc Việt coi con chim này là vật tổ của mình.
Xem xét từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, Ts Đinh Hồng Hải kết luận, căn cứ vào việc phân tích chữ Hán cho thấy, tác giả viết từ Lạc Việt trong cuốn Giao Châu ngoại vực ký là người Hán, khi đến đất Lạc Việt đã ghi lại rằng: “Ở khu vực Giao Chỉ có Lạc Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng và họ đều sử dụng lợi ích từ Lạc điền”. Xét về chữ Lạc Vương, như Gs Đào Duy Anh phân tích, là ông vua của tộc Lạc và Lạc là vật tổ của chúng ta; dưới vua có Lạc Tướng, Lạc Hầu; Lạc điền là ruộng của người Lạc. Tuy nhiên, chữ Lạc bắt nguồn từ tên phiên âm, được ghi lại bằng chữ Hán. Lạc - theo âm Hán hiện đại người ta thường gọi là lộ (lọ, ló) hay những âm gần như thế. Như vùng Quảng Trị, Thừa Thiên, Thanh Hóa hiện nay vẫn dùng từ ló để chỉ lúa… Từ đó có thể hiểu, lạc điền là ruộng lúa của người Việt. “Từ truyền thuyết và những phân tích bước đầu về thành ngữ con Lạc cháu Hồng, chúng ta có quyền tự hào và sử dụng nó trong văn học. Nhưng để làm cứ liệu lịch sử, rõ ràng không phù hợp lắm” - Ts Đinh Hồng Hải nói.