Các Ủy viên Trung ưởng Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì cuộc làm việc.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí với bố cục, các nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, trách nhiệm và cầu thị trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý. Theo đó, một số mục tiêu tổng quát cần được làm rõ, gắn với tính thực tiễn, khả thi. Làm rõ hướng điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu, nhất là các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến đầu tư, phát triển văn hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, rà soát mối quan hệ logic giữa mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, có nội dung được đề cập trong mục tiêu cụ thể nhưng chưa được đề cập trong nội hàm của mục tiêu tổng quát…
Liên quan đến việc cho phép áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa trong khuôn khổ Chương trình, đề nghị không đưa vào dự thảo quy định này, trường hợp cần thiết thì chỉ thực hiện thí điểm đối với một số dự án, địa bàn cụ thể. Việc thực hiện trên phạm vi toàn quốc thì phải sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ngoài ra, Thường trực Ủy ban cũng đề nghị làm rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, về căn bản, dự thảo Luật thể hiện sự thống nhất phương án chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, gắn với các nội dung như hoàn thiện từ ngữ, bổ sung khái niệm “bảo tồn di sản văn hóa”; quy định cụ thể các trường hợp xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình.
Rà soát, bổ sung một số chính sách của Nhà nước đối với di sản văn hóa, trong đó có chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể để chính sách phù hợp hơn với từng đối tượng. Quy định cụ thể, hợp lý hơn về điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật, cũng như tiêu chuẩn chuyên gia giám định di vật, cổ vật; quy định về di sản tư liệu, về bảo tàng, về bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…
Thường trực Ủy ban cũng cho ý kiến về việc rà soát, nghiên cứu thẩm quyền cho ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh, đặc biệt là việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; cho ý kiến giải trình đề nghị bổ sung “di sản địa chất” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đề nghị không nên tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể...
Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận ý kiến của các đại biểu trên tinh thần đồng thuận cao với các nội dung liên quan đến việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ủy ban sẽ phối hợp với Tổ thẩm tra, ban soạn thảo, trên cơ sở tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các bên có liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…, nhằm hoàn thiện tối đa dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết, để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới.