Phát biểu tại Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội Khoá XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng: Thời gian qua, cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn ngày một hoàn thiện. Công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn đã có nhiều chuyển biến tích cực nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 09/NQ-CP về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01.2019, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi, cũng phải thừa nhận khi đi vào cơ chế chính sách cụ thể dưới luật thì vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt gần đây Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã ưu tiên cao, dành một phần quan trọng cho chất thải rắn là cần thiết, quan trọng. Nhưng nhìn vào thực tiễn, cụ thể như một lĩnh vực là phát triển du lịch biển, nếu rác thải cứ như hiện nay thì không ai bỏ tiền để ngắm một vùng biển nhếch nhác. Làm gì có kinh tế du lịch đứng đầu nếu môi trường không đứng đầu. Từ nhu cầu đó đòi hỏi chúng ta phải có những thay đổi về tầm nhìn, tư duy lãnh đạo các cấp.
Bên cạnh đó, công tác quản lý chất thải rắn đứng trước khó khăn chồng chất. Thứ nhất, phân loại rác thải tại nguồn là câu chuyện vẫn phải đặt ra. Chất thải rắn đa dạng nhưng không có sự phối hợp liên ngành thì rất khó xử lý. Thứ hai, nhận thức của xã hội vẫn còn một khoảng cách, chưa toàn diện, chưa đủ sâu sắc. Thứ ba, hiệu lực tuân thủ pháp luật, quy trình quy phạm kỹ thuật còn có vấn đề. Đầu tư cho nhà máy, xí nghiệp để xử lý rác thải cũng còn hạn chế, “non” tiền, “non” kỹ thuật. Cuối cùng, trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất, muốn quản lý tại nguồn tuy nhiên yếu tố này thực hiện chưa tốt.
Trước những khó khăn, thách thức trên, các giải pháp như phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải... cần được tăng cường áp dụng.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh: Một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải là phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.
Về khoa học công nghệ có thể rất thành công nhưng đường dẫn để khoa học công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn thì phụ thuộc vào chính sách. Vì thế cần có cơ chế khuyến khích về giá thành, chính sách đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn. Luật quy định về trách nhiệm xã hội của các nhà sản xuất. Đây là xử lý tận gốc, từ chính sách, cụ thể hóa ra.
"Việc quản lý chất thải rắn tổng hợp, liên ngành thì quan trọng là làm sao người dân phải tự quản, tự điều chỉnh, giám sát. Chính chỗ này, tổ chức quần chúng xã hội ở cơ sở mới phát huy, vào cuộc được. Một trong cơ chế mà thành công là phải ký cam kết với từng gia đình, lúc ấy các tổ chức thực thi pháp luật ở cơ sở dễ làm việc. Tự giác thành kỷ luật bắt buộc- Đó là vấn đề quan trọng nhất."- Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nói.