
Bây giờ chắc còn ít người nhớ đến cái tên Vietsovlighter, một xí nghiệp liên doanh (XNLD) vận tải biển do Việt Nam và Liên Xô thành lập trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ ký năm 1989, tương tự như XNLD Vietsovpetro khi đó. Tôi còn nhớ giấy phép đầu tư của Vietsovlighter do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư cấp có số thứ tự là 72 theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội Khóa VIII ban hành ngày 29.12.1987. Luật này được coi là quyết định lịch sử, mở đường cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vốn là lĩnh vực còn rất mới mẻ và xa lạ đối với nước ta những năm đầu Đổi mới.
Khi đó đội tàu mẹ chở sà lan LASH (Lighter Aboard Ship) của Liên Xô (LASH Carrier) trọng tải 40.000 tấn/chiếc vừa được đóng xong nhằm phục vụ các tuyến vận tải chiến lược nên các con tàu đều mang lên các vị lãnh tụ cách mạng nổi tiếng như Indira Gandhi, Ernesto Che Guevara, Alexey Kosygin… Đặc biệt, trong đội tàu này có con tàu mang tên Lê Duẩn, đóng mới năm 1987, số đăng ký IMO 8623951. Đây là tàu chở sà lan công nghệ mới nhất của Liên Xô lúc đó. Tàu dài khoảng 270m, rộng 35m. Tại phòng sĩ quan trên tàu, ở vị trí trang trọng nhất là bức chân dung Tổng Bí thư Lê Duẩn, kèm tiểu sử tóm tắt. Tàu Lê Duẩn cùng đội tàu chở sà lan LASH hoạt động liên tục trong khoảng 10 năm trên tuyến vận tải chở hàng hóa trao đổi giữa các nước XHCN và Việt Nam.
Một tàu mẹ chở được 82 sà lan LASH 375 tấn. Nhờ hệ thống cẩu tàu 400 tấn chuyên dụng mà các sà lan được nâng lên, hạ xuống nước và lai dắt bằng tàu kéo vào cảng để làm hàng. XNLD Vietsovlighter được thành lập để phục vụ đội tàu này tại các cảng biển Việt Nam từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn với hàng hóa đến từ các cảng Nakhodka, Vladivostok (Viễn Đông Nga), Ilichoevsk, Odessa, Belgorod-Dnestrovsky (biển Đen, Ukraine)…

Các đối tác trong nước của liên doanh là 4 doanh nghiệp vận tải hàng đầu của Bộ Giao thông Vận tải và thành phố Hải Phòng. Nhờ phương thức vận tải tiên tiến từ “cửa kho tới cửa kho” khi các sà lan LASH được lập đoàn và lai dắt từ cảng biển theo đường sông tới tận các cảng nội địa thuộc đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long nên đã thu hút được lượng hàng lớn, giá cước cạnh tranh, thời gian xếp dỡ nhanh. Nhờ vậy mà chỉ sau mấy năm thành lập, các đối tác Việt Nam đã sớm thu hồi vốn góp.
Công lớn trong việc thành lập và điều hành Vietsovlighter những năm đầu là Tổng giám đốc Đào Bá, ĐBQH Khóa III và IV. Ông là một trong những nhà lãnh đạo giỏi, năng động của ngành giao thông, người lãnh đạo đầu tiên của Xí nghiệp liên hợp Vận tải biển pha sông thành lập năm 1985, hiện thực hóa phương thức vận tải mới bằng đội tàu biển pha sông do các nhà máy đóng tàu trong nước thiết kế và sản xuất trọng tải từ 400 - 1.000 tấn trọng tải do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đồng Sỹ Nguyên giai đoạn 1982 - 1986 chỉ đạo.
Ngoài đội tàu LASH, khi đó Vietsovlighter còn đội tàu hàng khô viễn dương gồm 9 tàu, phần lớn là loại tàu kiểu “Murom” 10.000 tấn, hơn 30 tàu kéo, hai cảng Tân Thuận Đông (TP Hồ Chí Minh) và Cửa Cấm (Hải Phòng), các khu neo đậu sà lan, do cán bộ, kỹ sư, công nhân, sĩ quan, thuyền viên Việt Nam và Liên Xô khai thác, đạt hiệu quả cao. Đội ngũ cán bộ quốc tế chủ chốt của Vietsovlighter chủ yếu là do các bên liên doanh cử tới, luôn gắn bó, sát cánh bên nhau thực hiện nhiệm vụ. Ngôn ngữ chính thức của liên doanh là tiếng Nga và tiếng Anh. Trong liên doanh có khá nhiều cán bộ được đào tạo tại Liên Xô như các Phó tổng giám đốc Đặng Văn Được, Lê Ngoan đều học hàng hải ở Liên Xô. Cùng trường với tôi ở Moscow về làm việc tại đây có hai bạn Cường và Học. Đội ngũ cán bộ Việt Nam công tác tại liên doanh đa phần là trẻ, được đào tạo cơ bản, đã sớm bắt nhịp với đội ngũ cán bộ người Nga, Ukraine.
Khi đó đất nước mới bắt đầu Đổi mới nên đời sống, điều kiện làm việc còn vô vàn khó khăn, nhưng các bạn Nga, Ukraine đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ Nga, Ukraine và gia đình họ. Lúc cao điểm, liên doanh có gần 1.500 cán bộ quản lý, sĩ quan thuyền viên, kỹ sư, công nhân khai thác cảng biển là người Việt, Nga và Ukraine.
Sau khi Liên Xô tan rã, các bên tham gia liên doanh thuộc các chủ thể của Liên bang Xô Viết trước đây không tìm được tiếng nói chung nên Vietsovlighter đã chấm dứt vai trò lịch sử sau hơn 10 năm hoạt động. Tuy vậy, tình cảm hữu nghị, anh em thân thiết giữa tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động Việt - Nga - Ukraine vẫn được duy trì cho đến tận ngày hôm nay. Có bạn Nga chọn ở lại Việt Nam lập nghiệp, như Nikolai Sashkin. Các bạn như Trưởng phòng Tài chính Oleg Shalamov hay Phó phòng Kế toán Alexey Nazarov mỗi khi năm hết Tết đến vẫn thường gọi điện hỏi thăm, chúc Tết các bạn Việt Nam từ thành phố cảng quê hương Vladivostok, miền Viễn Đông Nga. Còn những cán bộ, nhân viên, người lao động Việt Nam từng làm việc tại Vietsovlighter cứ đến Ngày Cách mạng tháng Mười Nga (7.11) lại nhớ về những người bạn Nga - Ukraine một thời gắn bó.