Xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết: Thời gian qua, việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và sử dụng đất đai; ghi nhận rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước đối với đất đai với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và là chủ thể quản lý đất đai.
Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành đồng bộ và kịp thời, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; các văn bản được ban hành đều bám sát chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; giúp cho Luật sớm đi vào cuộc sống, giải quyết kịp thời các vấn đề bức thiết mà thực tế đang đòi hỏi…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì còn không ít những vướng mắc. Đơn cử như: nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề; nhiều hộ gia đình, địa phương còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi. Bên cạnh đó, để xác định một cách đầy đủ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường cũng rất khó khăn khi thị trường chưa thực sự công khai, minh bạch; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước nhiều lần thay đổi nên việc áp dụng tại các địa phương thiếu nhất quán; việc xác định nguồn gốc đất đai đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
“Cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay. Đồng thời, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ.
Là đại biểu địa phương được mời dự thính phiên thảo luận về dự án Luật quan trọng này, bà Nga cho rằng: Các ý kiến của ĐBQH đã tập trung vào các nội dung cốt lõi của yêu cầu sửa đổi Luật lần này. Nếu được tổng hợp tiếp thu sẽ góp phần từng bước tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn… “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục kế thừa các chính sách hiện hành để bảo đảm sự ổn định. Đồng thời, quán triệt và thể chế đầy đủ các định hướng chỉ đạo trong Nghị quyết 18-NQ/TW đó là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước và bảo đảm sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi”, bà Nga nhấn mạnh.
Quy định cụ thể cơ chế vận hành Quỹ hỗ trợ
Cơ bản đồng tình với các điều, khoản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tuy nhiên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh: Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định theo hướng quy định cụ thể hơn các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đưa ra tiêu chí xác định những trường hợp nào là cấp bách, thật cần thiết để thu hồi đất; quy định chi tiết, cụ thể về thu hồi đất đối với các dự án Nhà ở đô thị, hạ tầng khu dân cư nông thôn...
Bên cạnh đó, cần làm rõ nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm thống nhất, đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất (về các chỉ tiêu loại đất chính, kỳ quy hoạch, thời điểm lập quy hoạch…); tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chưa thống nhất với Luật Quy hoạch, cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch tỉnh.
Tại điểm 3, Điều 112 của dự thảo có quy định mới về Quỹ hỗ trợ nhằm mục đích hỗ trợ cho nhóm đối tượng trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi khi Nhà nước thu hồi đất. Quy định này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước bảo đảm sinh kế khi bị mất đất sản xuất. Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ chính sách hỗ trợ cụ thể và cơ chế vận hành Quỹ, tránh trường hợp chính sách mới sẽ nới rộng phạm vi, đối tượng khi thực hiện gây khó khăn cho cơ sở... “Việc thành lập quỹ này do UBND cấp tỉnh trích lập sẽ tạo chênh lệch vùng, miền, giữa các tỉnh có nguồn thu từ đất khác nhau sẽ có mức hỗ trợ khác nhau. Do đó, đề nghị nên nghiên cứu theo hướng quy định mức tối thiểu và tối đa để tạo sự công bằng giữa các địa phương”, bà Nguyễn Thị Thúy Nga nhấn mạnh.