Việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất muộn hơn so với kế hoạch
Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga, căn cứ các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 đối với 18/18 huyện, thị xã theo đúng tiến độ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Đồng thời, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất bảo đảm theo quy định từ khâu rà soát các chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất, lập danh mục dự án...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát trực tiếp tại nhiều đơn vị, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc lập, rà soát, xây dựng danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trong nhiều trường hợp còn chưa bảo đảm tính khả thi, không thực tiễn, có dự án đưa vào danh mục nhưng không thực hiện được trên thực tế dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần; có nơi chưa thực sự chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng về cơ sở pháp lý, về vốn, về quỹ đất và nhà tái định cư... nên một số dự án triển khai chậm, kéo dài. "Công tác tổng hợp, thống kê định kỳ tại các quận, huyện, thị xã nhìn chung còn chậm và thiếu thông tin cụ thể mặc dù đây là nội dung cần có sự rà soát, tổng hợp ít nhất 2 lần/năm. Trách nhiệm thuộc về UBND các quận, huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường", Đoàn giám sát chỉ rõ.
Bên cạnh đó, mặc dù, HĐND thành phố thông qua danh mục các công trình thu hồi đất từ đầu tháng 12 hàng năm, song có một số đơn vị đến gần cuối tháng 1 năm sau mới nhận được quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất do UBND thành phố ban hành dẫn đến việc triển khai thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án muộn hơn so với kế hoạch... Ngoài ra, việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố nhìn chung đạt tỷ lệ thấp.
"Đặc biệt, có một số dự án liên quan đến cụm công nghiệp song gần 10 năm chưa thực hiện xong các thủ tục (như Cụm công nghiệp Cát Quế, huyện Hoài Đức), gây lãng phí nguồn lực. Trách nhiệm thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Công thương, UBND một số huyện", Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nhấn mạnh.
Đáng chú ý, hiện công tác tham mưu, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập danh mục, tổ chức chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa vẫn còn chậm, chưa thực sự kịp thời, thiếu sự thống nhất, nhất là không có hướng dẫn về phương án sử dụng diện tích đất mặt khi chuyển mục đích sử dụng, thu hồi đất dẫn đến các địa phương lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện... Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa còn chưa được quan tâm đúng mức.
Thiếu kết nối trong việc lập danh mục dự án
Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, bất cập nêu trên được Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố xác định một phần do nhận thức về trách nhiệm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến triển khai các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của một số đơn vị, địa phương có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức; có nơi chưa thực sự có chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, một số địa phương chưa chủ động báo cáo UBND thành phố và cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết các khó khăn, tồn tại, hạn chế đã tồn tại nhiều năm.
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong công tác báo cáo đề xuất, tham mưu UBND thành phố hướng dẫn khắc phục các khó khăn của các địa phương. Đặc biệt, việc phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã còn chưa chặt chẽ, thiếu sự kết nối cả trong việc lập danh mục dự án và xử lý các vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
"Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 có nhiều thay đổi, nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Chính sách, pháp luật về đất đai và đầu tư thay đổi qua các thời kỳ, công tác cán bộ theo dõi, phụ trách lĩnh vực đất đai theo địa bàn cũng có không ít thay đổi dẫn đến việc rà soát, triển khai có độ trễ, ảnh hưởng đến tiến độ công tác giải phóng mặt bằng", Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nhấn mạnh.
Để tiếp tục nâng cao việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn thành phố, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện chuyển mục đích, thu hồi đất các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, HĐND thành phố đưa vào danh mục, có lộ trình thực hiện cụ thể từng dự án; làm rõ thời gian, địa chỉ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, xem xét tăng cường phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện trong thực hiện thủ tục phê duyệt đánh giá tác động môi trường (nếu đủ điều kiện) các dự án sử dụng ngân sách cấp huyện có quy mô đầu tư nhỏ, diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất không lớn nhằm giảm tầng nấc, thời gian hoàn thiện thủ tục này...
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, Đoàn giám sát đề nghị cần tập trung rà soát, đánh giá, thống kê đầy đủ tiến độ thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, lộ trình, rõ thời gian và tiến độ hoàn thành các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn...