Khắc phục chậm trễ trong xác định giá đất
Tham gia chất vấn nội dung này, Đại biểu Điêu Kim Thắng chỉ ra thực tế 3 năm qua, tổng thu ngân sách của cả tỉnh từ tiền đất đều vượt kế hoạch, tuy nhiên việc bố trí chi đầu tư cho các dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu từ tiền đất do cấp tỉnh thực hiện đều không bảo đảm kế hoạch, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Cẩm Khê đề nghị làm rõ trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan; hướng khắc phục, giải quyết nếu năm 2025 tiếp tục hụt nguồn thu về thuế đất.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm thu là năm 2024, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, thay thế, bổ sung, sửa đổi để xác định giá đất. Đến tháng 8.2024 Luật Đất đai có hiệu lực khiến một loạt các dự án của tất cả các địa phương có yêu cầu xác định đơn vị tư vấn để thực hiện xác định giá đất, gây quá tải cho các đơn vị tư vấn, gây chậm trễ trong xác định giá đất tại địa phương.
Áp dụng bảng giá đất từ tháng 8.2024 vào tính giá sẽ làm giá bất động sản như chi phí tính giá đất rất cao, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Các nội dung liên quan đến đấu thầu và lựa chọn đơn vị tư vấn cũng chỉ được thông qua mới đây. Ngoài ra, có những nguyên nhân chủ quan như: do tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào tiền sử dụng đất, đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước. Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định cùng Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh rà soát, xác định cụ thể các danh mục để có hướng chỉ đạo ngay từ đầu năm trong việc hoàn thiện các chính sách và tháo gỡ khó khăn liên quan đến các nội dung trên.
Xác định rõ số nợ xây dựng cơ bản của các cấp ngân sách
Về câu hỏi của đại biểu Đặng Thị Tình liên quan đến tổng số nợ xây dựng cơ bản của cả tỉnh, chia ra các cấp, các dự án còn nợ trước năm 2020, các dự án đã đưa vào sử dụng trước năm 2020 đã quyết toán của tỉnh nhưng còn nợ và hướng giải quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền cho biết: Sở đã tham mưu với UBND tỉnh nhiều năm rà soát xác định rõ số nợ xây dựng cơ bản của các cấp ngân sách. Đặc biệt trong giai đoạn 2021-2025, quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công, cũng bố trí thứ tự ưu tiên số 1 là bố trí trả nợ xây dựng cơ bản.
Đến thời điểm 30.11.2024, nợ xây dựng cơ bản của tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh là khoảng 340 tỷ, cấp huyện khoảng 1.100 tỷ. Đề nghị các huyện rà soát lại trong kế hoạch đầu tư công và trung hạn để bảo đảm nguyên tắc chỉ bố trí cho các dự án hoàn thành mà đã có quyết toán, các dự án chuyển tiếp rồi mới đến các dự án bố trí mới.
Các địa phương cần quan tâm hơn đến xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để tránh phát sinh. Năm 2025, Sở sẽ tiếp tục rà soát từng nguồn vốn, nhất là các dự án hỗ trợ ngân sách trung ương, tiếp tục cắt giảm 35 dự án đã trình HĐND tỉnh để không phát sinh nợ. Ưu tiên bố trí trả nợ từ các nguồn thu của tỉnh để giải quyết cơ bản tình trạng nợ đọng trong thời gian qua.
Kết luận các nội dung chất vấn trên, Chủ toạ Kỳ họp chỉ ra nguyên nhân việc bố trí nguồn lực cho đầu tư chưa bảo đảm do việc xác định nguồn thu giữa địa phương cấp huyện và tỉnh chưa phù hợp, chưa chính xác. Tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch thu năm 2025 giảm so với đề xuất để bố trí phù hợp. Khi có nguồn lực từ tiền đất thu được sẽ báo HĐND để bố trí trong thời gian sớm nhất để không bị nợ đọng xây dựng cơ bản. Chủ toạ cũng yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo chính xác toàn bộ số nợ xây dựng cơ bản của các cấp; trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, các cấp chính quyền. Từ năm 2025, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát chi tiết tất cả các dự án ở tất cả các huyện để có định hướng cụ thể. Về 4 dự án có tỷ lệ giải ngân vốn Trung ương rất thấp, Chủ toạ đề nghị các ngành, các cấp, các chủ đầu tư tập trung thực hiện bảo đảm tiến độ.