Phát huy sức mạnh của toàn xã hội
Khái quát những kết quả tỉnh đạt được trong năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng cho biết: với tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, chia sẻ, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nổi bật, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, thu ngân sách vượt kế hoạch; nông nghiệp được mùa, một số mô hình liên kết với doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được tập trung chỉ đạo. Chấp thuận chủ trương đầu tư 20 dự án, nổi bật là dự án Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng; khởi công dự án VSIP; khởi động dự án sản xuất ô tô điện Vinfast. Các dự án trọng điểm quốc gia (đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường điện 500kV mạch 3…) được chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tiến độ... Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
HĐND tỉnh đề nghị các cấp, ngành cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; trong đó, tập trung triển khai Nghị quyết số 1283 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025; quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất cao về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn với tinh thần “làm dứt điểm từng việc, không chờ đợi”… Đồng thời, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp thực tiễn; đề xuất xây dựng chính sách giai đoạn 2026 - 2030 để kiến tạo sự phát triển nhanh và bền vững theo hướng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh…
- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh HOÀNG TRUNG DŨNG -
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: công tác giải phóng mặt bằng một số nơi còn vướng mắc; thu hút đầu tư vào khu kinh tế Cầu Treo, các khu, cụm công nghiệp còn gặp không ít khó khăn… Bên cạnh đó, việc xử lý trụ sở, tài sản dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính chưa tập trung cao; một số dự án, vụ việc tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm… là áp lực rất lớn đối với hệ thống chính trị toàn tỉnh.
Những lưu ý của Chủ tọa kỳ họp tiếp tục được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề cập trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đó, để phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện, như: tập trung hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng kế hoạch 2026 - 2030; tăng cường quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng để phục vụ phát triển kinh tế… Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước... “Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong việc phối hợp tổ chức thực hiện và tuyên truyền, tạo đồng thuận cao và phát huy sức mạnh của toàn xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 đã đề ra”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Linh hoạt trong ban hành các chính sách
Bàn thảo về giải pháp bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, nhiều đại biểu cho rằng: điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường thu hút đầu tư; linh hoạt trong ban hành các chính sách để làm “đòn bẩy” cho các địa phương phát triển nhanh, bền vững… Cụ thể, theo đại biểu Đặng Trần Phong, tỉnh Hà Tĩnh cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, tập trung chỉ đạo giải quyết các tồn đọng, vướng mắc đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất; đôn đốc các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.
Cơ bản thống nhất với các mục tiêu đặt ra, đại biểu Đặng Văn Thành cho rằng: “đòn bẩy” để hoàn thành các chỉ tiêu là chú trọng chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất kinh doanh; tăng cường kết nối doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo chuỗi liên kết, nhất là nhóm ngành chế biến sâu sản phẩm thép, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô và chế biến nông, lâm, thủy hải sản…
Còn theo đại biểu Trần Thị Hoa, tỉnh cần xem xét cân đối ngân sách để có sự hỗ trợ phù hợp, có cơ chế chính sách cho các địa phương trong việc trả nợ xây dựng cơ bản và chi thường xuyên; có giải pháp tháo gỡ việc thực hiện quy định về kinh phí lập quy hoạch sử dụng từ nguồn chi thường xuyên...
Từ góc độ địa phương, đại biểu Hoàng Quang Trung cho rằng, cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ huyện Cẩm Xuyên phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho người dân; có các chính sách tập trung nguồn lực để phát triển khu du lịch biển Thiên Cầm trở thành khu du lịch trọng điểm; quan tâm, bố trí nguồn vốn đầu tư vào các vùng quy hoạch trọng điểm, nhất là hệ thống giao thông;…
Cho rằng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định: “Phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu treo trở thành trung tâm Logistics trên giao điểm của trục đường Hồ Chí Minh và hành lang kinh tế Đông - Tây”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy đề nghị tỉnh thực hiện hiệu quả công tác quản lý, xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đến năm 2045; quan tâm, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu…