Dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận diện, thực hiện
Thường trực HĐND tỉnh Long An nhận thấy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã quan tâm, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định, tiềm ẩn yếu tố mất an toàn như đã đánh giá, phân tích cụ thể tại Chương trình Đối thoại. Trong đó, việc quản lý an toàn thực phẩm, nhất là đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm online, nhóm dịch vụ phục vụ ăn uống lưu động còn bất cập, khó kiểm soát. An toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống vẫn chưa được bảo đảm. Quản lý an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp, xí nghiệp còn bất cập, dễ xảy ra không bảo đảm an toàn thực phẩm. Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề cần phải củng cố, tăng cường.
Đối với thành phố Tân An, với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, tập trung nhiều chợ đầu mối, trung tâm thương mại, là nơi kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ ăn uống, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cần phải được tiên phong, tập trung nhiều hơn, chặt hơn, tốt hơn, gắn với mục tiêu xây dựng thành phố “Thân thiện, văn minh, hiện đại”. Thường trực HĐND tỉnh Long An đề nghị UBND thành phố Tân An cần xây dựng mô hình kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn gắn với văn minh đô thị làm điển hình để nhân rộng cho các địa phương trong tỉnh.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều
Trên cơ sở nhìn nhận rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, qua Chương trình đối thoại, Thường trực HĐND tỉnh Long An đề nghị UBND tỉnh tập trung quán triệt đầy đủ ý nghĩa công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm đóng vai trò nòng cốt cần phát huy hơn nữa trách nhiệm, tính chủ động. Phát huy vai trò của người dân trong phát hiện các vi phạm về an toàn thực phẩm để kịp thời xử lý nhằm hạn chế thấp nhất ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm và đặt sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng lên trên hết, trước hết.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm thông qua nhiều hình thức để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng cụ thể hóa các quy định về an toàn thực phẩm thành các quy chuẩn, tiêu chí, hình ảnh dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận diện, thực hiện, dễ đối chiếu, kiểm tra, giám sát trong cộng đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều nhấn mạnh.
Kiểm soát trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm
Cùng với chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, Thường trực HĐND tỉnh Long An đề nghị UBND tỉnh rà soát, kiện toàn nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; đồng thời, có cơ chế phù hợp bảo đảm kiểm soát tốt an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, kiểm soát các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
UBND tỉnh có giải pháp khắc phục hiệu quả khó khăn, vướng mắc đã đặt ra. Nhất là trong việc cấp các loại giấy chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm theo quy định; cam kết về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp, xí nghiệp, trường học và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; về quản lý chặt các sàn thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp thực phẩm; quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm.
Chú trọng đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp, xây dựng và quản lý mạng lưới chợ theo quy hoạch, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm tại các chợ, trong đó, có chợ trung tâm thành phố Tân An; quan tâm phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của tỉnh đến các hệ thống phân phối uy tín, hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối, các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, trước tiên là tại địa bàn tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm, lấy mẫu hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm tại các cơ sở có dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống; thức ăn đường phố; nhóm dịch vụ phục vụ ăn uống lưu động… xử lý nghiêm các vi phạm và công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay tại nơi (địa điểm) xảy ra vi phạm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.