Số hóa việc xác minh doanh nghiệp có tính tuân thủ cao
Cuối tuần trước, Tổng cục Thuế tổ chức họp triển khai “Chương trình hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế”.
Đại diện Ban Quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế cho biết, chương trình nhằm lựa chọn người nộp thuế được đánh giá tuân thủ tốt pháp luật thuế để ưu tiên giải quyết hoàn thuế nhanh. Theo đó, người nộp thuế được lựa chọn tham gia chương trình sẽ được ưu tiên giải quyết nhanh các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế; ưu tiên các hoạt động tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế; giảm tần suất thanh tra, kiểm tra; giảm mức tổng điểm rủi ro; hỗ trợ cảnh báo sớm nguy cơ rủi ro...
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, ngoài việc đẩy nhanh công tác hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp, giảm tải áp lực cho cơ quan thuế, thì việc triển khai chương trình này cũng là phương thức truyền thông hữu hiệu để đẩy mạnh tính tự giác trong tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
Nhiều ý kiến đề xuất, ngoài các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu được xem xét tự động kê khai, tự nguyện tuân thủ thì cũng cần xem xét đối tượng doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư.
Để triển khai hiệu quả chương trình, Tổng Cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu Ban Quản lý rủi ro phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tăng cường số hóa, hiện đại hóa trong công tác xác minh doanh nghiệp có tính tuân thủ pháp luật cao. Vụ Kê khai và Kế toán thuế phối hợp Cục Thanh tra - Kiểm tra hỗ trợ phân tích tiêu chí chọn lọc doanh nghiệp để đẩy nhanh hoàn thuế.
Đồng thời, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu duy trì cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trung thực, tự động kê khai, tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp cho cơ quan thuế. Xây dựng trang thông tin công khai doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, buôn bán hóa đơn bị pháp luật xử lý giúp doanh nghiệp chủ động tra cứu. Cùng với đó, cá nhân hóa, cá thể hóa người phụ trách trong cơ quan thuế tương tác với doanh nghiệp trong việc triển khai chương trình.
Quản lý tuân thủ thuế
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân).
Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam.
Trong những năm qua, ngành thuế đã chú trọng triển khai công tác quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế, trong đó thực hiện tổ chức thu thập, xử lý dữ liệu bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành thuế. Đồng thời, xây dựng các Bộ chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế hỗ trợ cho công tác quản lý thuế để lựa chọn người nộp thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế và xây dựng kế hoạch kiểm tra sau hoàn; quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn của người nộp thuế phòng ngừa gian lận hóa đơn, chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Quản lý tuân thủ thuế là phương thức quản lý thuế hiện đại, giúp cơ quan thuế phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực có hạn trước bối cảnh số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, quy mô hoạt động ngày càng lớn, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.
Ông Noguchi Daisuke, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, duy trì và nâng cao tính tuân thủ thuế của doanh nghiệp lớn là vô cùng quan trọng để duy trì và nâng cao tuân thủ thuế trên cả nước. Do đó, việc nâng cao tính tuân thủ thuế của doanh nghiệp lớn là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Theo đó, cơ quan thuế Nhật Bản đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị thuế trong doanh nghiệp sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế. Cụ thể, đối với doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về thuế (rủi ro do xử lý kế toán không phù hợp trong doanh nghiệp); nếu hệ thống quản trị thuế trong doanh nghiệp tốt thì có thể giảm thiểu gánh nặng ứng phó với thanh tra thuế.