Tăng tỷ trọng sinh viên trường tư
Bài toán tài chính cho các trường đại học bao giờ cũng là vấn đề nan giải, không giải quyết được thì không phát triển được. Tài chính của trường đại học có thể đến từ nhiều nguồn, từ học phí người học, từ ngân sách nhà nước, từ hiến tặng, từ các nguồn thu qua hoạt động dịch vụ và nghiên cứu khoa học.
Ở Việt Nam, nguồn lực công cho giáo dục đại học thể hiện qua đầu tư xây dựng cơ bản, qua chi ngân sách hàng năm cho trường công, và hỗ trợ các trường tư qua chính miễn giảm thuế và ưu đãi thuê đất giáo dục, còn nguồn lực tư là đầu tư mở trường từ các thành phần ngoài công lập, và quan trọng nhất cho cả trường công và tư là từ nguồn học phí của người học.
Dù đầu tư từ nguồn nào, thì một trong các yếu tổ để bảo đảm chất lượng là chi phí đào tạo/sinh viên (định mức kinh tế kỹ thuật) phải đủ lớn. Hiện nay mức chi phí trung bình đào tạo đại học ở Việt Nam dưới 1.000 USD/năm/sinh viên, chỉ bằng 1/20 chi phí của Australia. Trong các năm tới, Việt Nam cần phải nâng suất đầu tư từ nhiều nguồn, lên gấp 5 con số này trong 10 năm tới để có điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo ở mức tối thiểu. Tự chủ đại học cần phải góp phần giải quyết vấn đề này.
Do ngân sách hạn chế, Việt Nam chỉ có một cách để tăng Average Total Spending là dành nguồn ngân sách cho số ít sinh viên hơn và có thể thực hiện theo 2 cách: Thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công; và tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công. Do không thể tăng học phí quá nhiều, cho nên sẽ đến lúc phải dùng đến cách giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% là tạm ổn, cũng để tỷ lệ sinh viên trường công - trường tư tương xứng với các nước khác trong khu vực.
Một vấn đề cũng cần xây dựng hành lang pháp lý là việcvay, bảo lãnh nợ vay và trả nợ vay của các trường công tự chủ tài chính (quyền tự chủ trong “thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển” - Khoản 5, Điều 32, Luật Giáo dục đại học). Vay từ các nguồn (vay ngân hàng, phát hành trái phiếu học đường, vay cán bộ giảng viên…) để đầu tư phát triển trường là một giải pháp để phát triển nhanh, nhưng việc trả nợ (là nợ công vì của trường công) trong tương lai có thể lại thuộc nhiệm kỳ tiếp sau và nếu như không trả nợ được thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Tạo môi trường cho các trường phát triển
Tự quyết là quyền tự chủ của các trường đại học được quyết định các vấn đề về chuyên môn - học thuật, về tổ chức - nhân sự, về tài chính - tài sản trong hành lang pháp lý (“theo quy định của pháp luật”) và các quy định nội bộ khác. Đây là quyền rất quan trọng, khác cơ chế xin cho - được phép mới được làm như trước đây. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức cho các trường đại học tự chủ trong mở ngành, liên kết quốc tế, còn tự chủ trong xác định chỉ tiêu và cách thức tuyển sinh đã thực hiện trước đó.
Thông thường chúng ta hay nói về việc tự chủ và “cởi trói” cho các trường công. Trên thực tế, trường tư cũng không được hoàn toàn “tự trị” căn cứ vào các quy định quản trị nội bộ - bên trên Hiệu trưởng là Hội đồng trường, bên trên Hội đồng trường là Đại hội đồng cổ đông. Ví dụ như với Trường ĐH FPT, về nhân sự quyết theo quy tắc trên 2 cấp, về tài chính ngoài việc tuân thủ các quy định như một doanh nghiệp độc lập, còn có các quy định nội bộ giới hạn định mức phê duyệt cho mỗi cấp.
Một trong những vấn đề thường gây tranh cãi là với việc tự chủ của các trường đại học, việc “tự quyết” và nguyên tắc “làm những gì không cấm” được hiểu và vận dụng như thế nào? Chúng ta từng chứng kiến nhiều lãnh đạo đại học công sau khi nghỉ việc về làm lãnh đạo đại học tư nhưng không thành công. Có nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng có lẽ môi trường tư thục không thuận lợi để lãnh đạo trường công phát huy kinh nghiệm trước đây của mình. Ba lý do chính ở đây là: (i) phải chuyển từ tư duy làm những gì được phép sang làm những gì không cấm; (ii) ngoài việc phải ứng xử với cơ quan quản lý nhà nước, với cơ quan chủ quản, với giáo viên, sinh viên và xã hội, còn phải ứng xử với chủ đầu tư đại diện bởi Hội đồng quản trị/Hội đồng trường; (iii) quản lý tài chính chuyển từ tư duy dòng tiền sang tư duy hạch toán.
Từ khía cạnh quản lý nhà nước, việc quy định mức độ tự chủ được xác định trên quan điểm không chỉ bảo vệ người học, cơ quan quản lý - mà quan trọng hơn là tạo môi trường cho các trường phát triển. Hiện nay hành lang pháp lý trong cơ chế tự chủ đại học dù đã từng bước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giao việc tự quyết về tuyển sinh, mở ngành, liên kết cho các trường, nhưng vẫn vướng một bất cập cơ bản, tạm gọi là quy định kiểu “Băng qua sa mạc”, đó là để được tự chủ thực hiện công việc gì đó (đi qua sa mạc), trường đại học phải chuẩn bị trước tất cả những gì cần thiết để thực hiện công việc đó (mang đủ nhu yếu phẩm, nước uống cho toàn bộ lộ trình). Ví dụ trong thủ tục mở ngành đào tạo mới, yêu cầu phải chuẩn bị giảng viên sẵn sàng cho tất cả các môn học - kể cả môn dạy ở năm học cuối, hoặc để chuẩn bị tuyển sinh cho năm học mới bắt đầu từ tháng 9, đội ngũ giáo viên phải chuẩn bị đủ từ ngày 31.12 năm trước để đưa vào Đề án tuyển sinh - dù còn 9 tháng nữa mới bắt đầu học, chưa biết tuyển sinh có đủ hay không - và với Trường ĐH FPT thì còn cộng thêm một năm học tiếng Anh mới đến môn chuyên môn đầu tiên.
Về vấn đề này, để tối ưu việc sử dụng nguồn lực, đề nghị thay cho việc phải chuẩn bị tất cả những gì cần thiết, thì chỉ yêu cầu chuẩn bị ở mức tối thiểu, còn các quy định chất lượng cần được bảo đảm và kiểm soát trong quá trình hoạt động phụ thuộc vào dạy bao nhiêu sinh viên, dạy nội dung gì.