Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ; các ĐBQH đang công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; đại diện các bộ, ngành trung ương; các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý; cơ sở giáo dục đại học; các chuyên gia, nhà khoa học...
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại, đều được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước đã khẳng định chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay là mối quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội, được mọi người dân, mọi gia đình cùng quan tâm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trên 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Đặc biệt, có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong thực thi còn những khó khăn, rào cản, còn khoảng cách. Đây là một thách thức, đòi hỏi phải đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, hội thảo cần dân chủ thảo luận, tập trung vào một số nội dung như điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, trách nhiệm của hội đồng trường; quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế về quản lý nội bộ, các chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn Nhà nước quy định ra sao… Về quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự liên quan đến cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, về tiêu chuẩn, danh mục việc làm liên quan đến tuyển dụng, sử dụng hoặc cho thôi việc với giảng viên, viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục đại học.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở, lý luận thực tiễn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát, và quyết định các chính sách phát triển giáo dục đại học, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển giáo dục đại học hiệu quả hơn thời gian tới.
Hội thảo được chia làm 3 phiên, gồm phiên về các vấn đề chung và 2 phiên chuyên đề sâu về cơ chế tự chủ và về tự chủ tài chính trong giáo dục đại học. Tại từng phiên, các đại biểu nghe tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý dưới các góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế thực hiện tự chủ đại học; mối quan hệ giữa trường đại học với cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng như giữa các thiết chế quyền lực trong nội bộ nhà trường; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học và đặc biệt là về vấn đề tài chính, sở hữu của cơ sở giáo dục đại học công lập trong thực hiện tự chủ...
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học được một bước và trước mắt còn một quá trình dài; tự chủ đại học phải đi từ chuyên môn, có mô hình quản trị tiên tiến, từ đó lan ra ngoài xã hội, nâng cao tính dân chủ, khoa học. Điểm quan trọng là tự chủ nhưng không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của người nghèo, của đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư nữa, cũng không có nghĩa buông lỏng quản lý, mà quản lý bằng pháp luật...