GS. TS. Nguyễn Hữu Đức - Đại học Quốc gia Hà Nội
Tự chủ đại học được thực hiện thông qua Hội đồng trường với quyền hạn 10 điểm quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Chủ trương này đang từng bước giải phóng các nguồn lực, mang đến các sinh khí mới cho các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, để hệ thống đại học phát triển đáp ứng với chiến lược phát triển quốc gia, lợi thế của tự chủ phát huy đúng hướng và tránh các xu thế cực đoan, cần bảo đảm một số nguyên tắc và vấn đề căn bản, trong đó các vấn đề về Quan hệ và trách nhiệm của các đại diện chủ sở hữu; Năng lực chỉ đạo chiến lược của Hội đồng trường và Công cụ quản trị và giám sát rất quan trọng. Không bảo đảm được các yếu tố này, dù các đại học có đầy đủ nguồn lực cũng sẽ khó vươn tới đỉnh cao và hoàn thành chức năng của mình.
Để thực hiện quyền của chủ sở hữu, chủ sở hữu có thể trực tiếp nắm, cũng có thể ủy quyền cho một pháp nhân hoặc cá nhân nào đó làm đại diện. Đối với các chủ thể giáo dục đại học công lập, chủ sở hữu (Nhà nước/toàn dân) có thể chọn một cơ quan Nhà nước (Điều 197, 198 Bộ Luật Dân sự 2015) hoặc có thể chọn Hội đồng trường để đại diện cho mình (Điều 16 Luật sửa đổi, bổ sung). Tuy nhiên, cần phân biệt và luôn luôn thực hiện đầy đủ cả hai vấn đề liên quan đến đại diện chủ sở hữu, đó là: cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Về điều này, không như một số quan niệm cho rằng tự chủ tức là tự bảo đảm tài chính, mà ngược lại, trách nhiệm đầu tư của Nhà nước vào các cơ sở GDĐH công lập là vấn đề có tính nguyên lý.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ sở GDĐH công lập có trách nhiệm đầu tư thường xuyên, đầu tư theo đặt hàng, cạnh tranh và đầu tư cho các các quỹ (khoc học - công nghệ, học bổng…). Bằng pháp luật, chủ sở hữu nhà nước quy định phân công, phân cấp cho các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền hạn trách nhiệm của mình, tức là sẽ có nhiều đại diện chủ sở hữu nhà nước, mỗi chủ thể được phân công, phân cấp thực hiện những quyền hạn, trách nhiệm khác nhau. Chính phủ ban hành các quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu, chính sách nhân sự, tiền lương… Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu và phê duyệt một số đề án đề nghị của bộ quản lý ngành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước và là cấp trên có thẩm quyền của cơ sở GDĐH, được phân cấp chuẩn bị các văn bản quản lý nhà nước, các đề án thuộc nội dung quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giám sát hoạt động của các cơ sở GDĐH… Bộ Tài chính xây dựng, tư vấn, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quy định, chế độ liên quan đến quản lý tài chính, đồng thời cũng có nghĩa vụ đầu tư đủ kinh phí bù đắp chi phí đào tạo và nghiên cứu khoa học… Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, tư vấn, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quy định, chế độ liên quan đến quản lý đầu tư, đồng thời cũng có nghĩa vụ đầu tư cho các chương trình, dư án mục tiêu, đầu tư phát triển... Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ban, ngành khác xây dựng, thẩm định, tư vấn, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vấn đề giáo dục đại học.
Trong 10 quyền hạn của Hội đồng trường của cơ sở GDĐH công lập, tôi đặc biệt quan tâm đến năng lực Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển của trường đại học. Đây là nội dung có tính chất quyết định, bảo đảm phát triển đúng định hướng và đầu tư có hiệu quả. Trong một thời gian dài quản lý giáo dục đại học được thực hiện bằng kinh nghiệm hoặc tư duy khoa học chuyên ngành của người lãnh đạo. Thời gian tới, khoa học giáo dục và khoa học quản lý phải được quan tâm, áp dụng một cách chuyên nghiệp từ hoạch định chính sách đến thiết kế, triển khai chương trình đào tạo. Trong trường hợp này, Hội đồng trường cần quan tâm nâng cao năng lực quản trị chiến lược, quản trị mục tiêu, quản trị quan điểm phát triển, quản trị sự thích ứng và quản trị chuyển đổi số, trên cơ sở đó đưa ra các quyết định về chiến lược phát triển phù hợp.
Các vấn đề trên có thể được bao quát, trong đó các vấn đề về tài sản, tài chính, nhân lực… được quan tâm và quản lý tốt, nhưng còn có một bất cập lâu nay chưa có điều kiện quan tâm cụ thể, và cả trong tương lai nếu đại diện chủ sở hữu thực hiện không đầy đủ thì hệ thống giáo dục đại học công lập cũng có nguy cơ phát triển tự phát, tùy thuộc vào quyết tâm riêng của từng trường và từng Hội đồng trường. Nếu như vậy, dễ xảy ra tình trạng một số trường đại học chỉ phát triển dựa vào sở trường và mục tiêu trước mắt, không tương thích với tầm nhìn quốc gia.
Trong trường hợp này, việc quy hoạch hệ thống GDĐH có phân tầng sứ mệnh, có phân bố địa lý phù hợp và giao trách nhiệm rõ ràng cho các trường mới vừa bảo đảm thực hiện tự chủ đại học hiệu quả vừa bảo đảm sự phát triển vĩ mô của hệ thống. Chậm quy hoạch mạng lưới và không giao cho các cơ sở GDĐH trách nhiệm thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn sẽ có rủi ro trong việc phát triển chiến lược quốc gia. Đây là nội dung cơ bản về trách nhiệm quản trị chiến lược của các cơ sở GDĐH của đại diện chủ sở hữu để bảo đảm thực hiện chiến lược và quy hoạch chung, đồng thời là cơ sở để xác định chính sách và địa chỉ đầu tư vào các cơ sở GDĐH.