PGS. TSKH. Phạm Đức Chính - Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh
Vòng luẩn quẩn
Tự chủ đại học và quản trị đại học là hai chủ đề rất rộng, rất phức tạp của riêng giáo dục đại học. Do vậy, nếu đối chiếu với những nội dung đã triển khai trong thực tế Việt Nam thì có thể nói, chưa có được những bước chuyển động thực sự căn bản theo đúng yêu cầu của tự chủ đại học.
Mối liên quan giữa quyền hạn và trách nhiệm trong tự chủ đại học rất rõ ràng. Những sản phẩm do trường đại học tạo ra, thì chính nhà trường phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội, người học là khách hàng của mình. Nhưng, để chịu trách nhiệm thì trường học phải được toàn quyền quyết định về cung cấp những sản phẩm của mình cho xã hội. Đây là mối quan hệ nhân quả, đan xen trong mối quan hệ quyền hạn và trách nhiệm.
Đây cũng là điều mà chưa được cơ quan quản lý giáo dục của Nhà nước, cũng như các trường đại học ở Việt Nam quan tâm một cách đầy đủ. Vấn đề cốt lõi là, chịu trách nhiệm trước Nhà nước, xã hội, cộng đồng và người học về các hoạt động của trường phải là Hội đồng trường chứ không phải Ban giám hiệu như ở Việt Nam. Trong khi đó, vai trò của Hiệu trưởng là điều hành, quản lý công việc hàng ngày và thực thi các chính sách, định hướng do Hội đồng trường thông qua.
Đối với Hội đồng Khoa học, vai trò của nó là bảo đảm cao nhất chất lượng học thuật và nghiên cứu của nhà trường dưới sự quản lý của Hiệu trưởng. Nhưng những mối quan hệ trong cấu trúc quyền lực đang bị chồng chéo, không cho phép nhà trường độc lập giải quyết nhiệm vụ này. Ngược lại, nếu không có quyền hạn để quyết định những nhiệm vụ của mình, thì khó có thể nói nhà trường phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những sản phẩm đó. Đây là vòng luẩn quẩn trong quản trị đại học ở Việt Nam hiện nay.
Đối với Việt Nam, khái niệm tự chủ và tự chịu trách nhiệm được nêu ra gần đây nhưng giải thích rất chung chung, không rõ ràng, cho nên bị hiểu nhầm thành tự chịu trách nhiệm, tức bản thân các trường tự chịu trách nhiệm trước những việc mình làm nhưng không rõ chịu trách nhiệm trước ai. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng tự chịu trách nhiệm có thể là chịu hoặc chẳng chịu gì cả.
Trách nhiệm xã hội của các trường đại học chưa được nghiêm túc đặt ra và cũng chưa thể hiện trong cung cách quản trị. Hơn nữa, Hiệu trưởng thường là những người xuất thân từ nhà giáo, nhà khoa học, chứ không phải là một nhà quản trị chuyên nghiệp. Từ mô hình quản lý bị đồng hóa, trường đại học bị coi là một đơn vị hành chính hay một tổ chức doanh nghiệp nên không có tự chủ đại học như yêu cầu mà nó cần phải có.
Thêm vào đó, cơ chế quản trị chưa rõ ràng, cơ chế kiểm soát độc lập chưa hiệu quả, và tự chủ đại học lại là một nhu cầu rất cấp thiết phải được quan tâm để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các cơ sở đại học Việt Nam. Đó là những lý do bắt buộc, đã đến lúc phải có một cuộc cải cách thực sự trong quản trị đại học.
Trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình
Vấn đề tự chủ đại học chưa được hiểu và nghiên cứu một cách thấu đáo. Với quan niệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo trên thực tế đã làm thay công việc của các trường, từ bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo đơn vị, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, phê duyệt chương trình khung (chuẩn chương trình), phân bổ chỉ tiêu đào tạo, quyết định việc mở ngành mới và mức học phí (đối với trường công lập).
Trách nhiệm xã hội là trách nhiệm của trường đại học đối với sinh viên, cha mẹ sinh viên, người sử dụng lao động, công chúng nói chung và Nhà nước. Trách nhiệm này bao gồm: Bảo đảm chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với công chúng, đem lại sự thỏa mãn cho sinh viên và cộng đồng...
Để thực hiện được nghĩa vụ này, phải có hai điều kiện. Thứ nhất, về phía bộ quản lý, phải xây dựng cho được một số “chỉ số hoàn thành nhiệm vụ” của trường đại học, tổ chức kiểm định chất lượng và kiểm toán tài chính độc lập, đưa ra được những quy định về báo cáo giải trình công khai... Thứ hai, về phía trường đại học, phải có một “Hội đồng trường” để những quyết định đưa ra vì lợi ích của cộng đồng chứ không chỉ là lợi ích của riêng nhà trường hoặc thế lực nào đó.
Khi chuyển đổi từ mô hình kiểm soát sang giám sát nhà nước mà nhiều nước đang áp dụng, thì vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xây dựng khuôn khổ chính sách, hành lang pháp lý cho các trường trong khi các trường cần được thực sự tự chủ theo quy định của pháp luật, nhưng phải đánh đổi bằng trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình. Chính vì chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và sự thống nhất trong cách tiếp cận đã dẫn đến những mâu thuẫn âm ỉ và rất cần được giải quyết thấu đáo.
Để thực hiện cơ chế tự chủ, Nhà nước phải có cơ chế để thiết lập cho được một Hội đồng trường ở bất cứ đại học công lập nào. Hội đồng này có nhiệm vụ đề nghị cấp hành chính cao hơn như Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, hoặc Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm Hiệu trưởng theo đúng tiêu chuẩn mà Chính phủ quy định. Cấp bổ nhiệm tùy theo đại học phụ thuộc cấp quản lý nào.