Đây là ý kiến của các đại biểu tại phiên chuyên đề “Tự chủ tài chính trong giáo dục đại học”, Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020, chiều 27.11.
Trong nhiều thập niên, Nhà nước luôn quan tâm và tăng cường đầu tư ngân sách cho giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo đại học nói riêng với mục đích tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển kinh tế. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ lệ chi cho giáo dục đại học chỉ chiếm khoảng 0,33% GDP. Xét trong bối cảnh Việt Nam thì chi cho giáo dục nói chung là một tỷ lệ không thấp, nhưng nếu xét về cơ cấu chi thì mức chi cho giáo dục đại học rất thấp.
Theo PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Việt Nam hiện nay không thể đầu tư 100% cho giáo dục từ nguồn ngân sách nhà nước, mà cần phải có sự phối hợp đầu tư từ các nguồn lực xã hội. Tại các trường đại học, nguồn tài chính chủ yếu là do ngân sách nhà nước cấp dưới hình thức phân bổ ngân sách hàng năm; học phí và các khoản thu khác không đáng kể tạo nguồn cho các trường thực hiện mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học…Thực tế này dẫn tới trình trạng hoạt động của các trường kém hiệu quả, không tạo được sự đột phá trong đào tạo, nghiên cứu, trì trệ trong quản trị, cơ sở vật chất chưa thực sự đáp ứng xu thế phát triển của giáo dục đại học. Một trong những bài toán mà các nhà hoạch định chính sách phải giải là bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng đối với giáo dục đại học trong bối cảnh ngân sách bị giới hạn. Trong bối cảnh đó, tự chủ đại học là một lựa chọn phù hợp.
“Tại Việt Nam tự chủ đại học đã khởi động và đang trong giai đoạn thí điểm theo lộ trình từ thí điểm tự chủ tài chính tới thí điểm tự chủ toàn diện. Đây là một lộ trình hợp lý và đầu tư là một yếu tố quan trọng tạo nguồn lực cho phát triển giáo dục đại học. Và vấn đề đầu tư cho các trường đại học tự chủ cần được cụ thể rõ trong luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam” - PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt kiến nghị.
PGS.TS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần đổi mới phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập trọng điểm qua hình thức đầu tư công (nguồn không thường xuyên hàng năm). Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế để thực hiện chính sách quốc gia thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu công khai, cạnh tranh lành mạnh...
Đồng thời, PGS. TS. Trần Diệp Tuấn góp ý, cần tạo mọi điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập có đủ nguồn kinh phí, cụ thể là có chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật cao, và cho các chuyên ngành sâu đặc thù theo định hướng chiến lược phát triển quốc gia; ủng hộ việc xây dựng học phí tính đúng và đủ của các cơ sở giáo dục để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bao gồm việc phát triển và cải tiến chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị dạy học, tăng thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi trong hệ thống giáo dục công lập.
Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing Hoàng Đức Long kiến nghị: Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, đặc biệt là việc triển khai cơ chế tự chủ đối với các trường đại học, trong đó có tự chủ về tài chính. Bên cạnh đó, để tự chủ tài chính thực sự phát huy được vai trò thì quyền tự chủ của các trường đại học công lập cần được Chính phủ quán triệt triển khai đồng bộ, tránh tình trạng tự chủ “nửa vời”: cho phép các cơ sở đào tạo được quyết định giá dịch vụ đào tạo (học phí) trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết theo khung giá do cấp có thẩm quyền ban hành; được quyền quyết định việc sử dụng tiền vốn, tài sản gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao và được huy động vốn cho đầu tư qua góp vốn liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo (nội dung này có chủ trương, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể); tự quyết định biên chế và trả lương trên cơ sở hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ sở giáo dục; Chính phủ nên tiếp tục đầu tư cho các chương trình mục tiêu, đầu tư cho các dự án phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng của cơ sở giáo dục, nhất là các dự án đầu tư lớn, vượt quá khả năng tài chính của cơ sở GDĐH; Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ ngân sách cho giáo dục đại học, ưu tiên tăng chi đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực quản trị của trường đại học, xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại…; tạo cơ chế pháp lý để các trường đa dạng các nguồn thu xã hội hóa...
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, tự chủ là một yêu cầu tất yếu trong hoạt động đại học, nhằm bảo đảm chất lượng và thể hiện trách nhiệm của đại học trước xã hội. Việc bảo đảm tự chủ đại học đúng nghĩa có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện nay và cần được sự quan tâm ủng hộ của hệ thống quản lý nhà nước, xã hội và của chính hệ thống giáo dục đại học. Để bảo đảm tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018), việc hòan thiện hệ thống pháp luật tạo sự đồng bộ, thống nhất là hết sức cấp bách. Đặc biệt là đồng bộ hóa pháp luật về ngân sách, đầu tư công, quản lý công sản, pháp luật về đất đai, về công chức, viên chức cho phù hợp với tinh thần tự chủ đại học... Các ý kiến cũng thống nhất kiến nghị Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về đổi mới giáo dục đại học, tập trung xây dựng hành lang pháp lý, lộ trình và kế hoạch triển khai tự chủ đại học, hình thành mô hình tài chính đại học phù hợp (tự chủ tài chính)...