Ở Mỹ đã và đang có những quan điểm khác nhau về giáo dục công: (1) ủng hộ sự tồn tại của trường công để bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận giáo dục, tạo ra vốn nhân lực của quốc gia và sự ổn định chính trị; (2) tăng tính hiệu quả bằng tồn tại hệ thống trường công và trường tư trong thị trường giáo dục có cạnh tranh; (3) tăng chất lượng trường công bằng các biện pháp tạo ra thị trường “học bổng” cạnh tranh, thay đổi mô hình quản trị đối với trường công.
Các quan điểm ủng hộ giáo dục công dựa trên khung phân tích của kinh tế học phúc lợi. Theo đó, đã đề xuất các câu hỏi cơ bản sau: Tại sao chính phủ tham gia tích cực vào sự nghiệp giáo dục mà không để cho thị trường cung cấp? Lý thuyết kinh tế học phúc lợi cho rằng thị trường không cung cấp hàng hóa một cách hiệu quả nếu hàng hóa đó là hàng hóa công, loại hàng hóa làm tăng ngoại tác hay được cung cấp một cách độc quyền. Lập luận này ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào thị trường giáo dục có liên quan với tính hiệu quả kinh tế. Một lập luận khác cho rằng cũng phải tính đến sự công bằng trong giáo dục, từ đó đưa ra quan điểm đối với giáo dục công. Họ cho rằng tiếp cận giáo dục là một nguồn quan trọng của sự thay đổi trong xã hội, giáo dục là một hàng hóa quan trọng dành cho mọi công dân.
Sinh viên trường ĐH UC Berkeley, Mỹ |
Điều gì đặc biệt làm cho chính phủ không những cung cấp giáo dục mà còn tạo ra giáo dục? Lý thuyết xây dựng nhà nước cho rằng, giáo dục công tạo ra vốn con người, đồng thời tạo cho người dân có niềm tin sâu sắc vào hệ thống chính trị.
Quan điểm khác lại cho rằng, các trường tư là nguồn cạnh tranh cho các sinh viên muốn dành toàn bộ nguồn lực của họ để sản xuất ra vốn con người. Theo quan điểm này, phát triển trong một quá trình dân chủ, tự do hóa là dễ dàng hơn một hệ thống các trường công được bảo hộ mà không có sự cạnh tranh.
Một trong những vấn đề chủ đạo trong các cuộc tranh luận về giáo dục công là chi phí cho nó có cao hay không. Các tranh luận này buộc chúng ta phải đối diện trước câu hỏi: Vậy chi phí cao hơn có cho ta nền giáo dục tốt hơn hay không?
Gần đây, nhiều tiểu bang ở Mỹ đã tập trung vào các kế hoạch nâng cao chất lượng trường công bằng cách gia tăng đáng kể giới hạn lựa chọn thông qua hệ thống hóa đơn trợ cấp (voucher system). Phương pháp tiếp cận này chủ yếu là cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp cho sinh viên chứ không cho trường công. Mỗi sinh viên có thể được cấp một hóa đơn trả học phí trang trải cho trường có chất lượng nào mà gia đình sinh viên thích nhất. Lý thuyết cho rằng tác động của cạnh tranh trong thị trường giáo dục cũng giống như trong các thị trường khác. Các trường học tồi sẽ có quá ít sinh viên đến học và buộc phải đóng cửa. Hơn thế, quan điểm cạnh tranh giáo dục cho rằng, khi tạo ra chính sách học phí có thể khuyến khích nhà đầu tư mở thêm trường học mới tại những khu vực có trường học chất lượng kém. Theo quan điểm này, một số tiểu bang ở Mỹ đã thử nghiệm hệ thống hóa đơn trợ cấp từ chính phủ cho sinh viên nghèo, và các sinh viên này sẽ lựa chọn trường có chất lượng tốt hơn bất chấp đó là trường công hay trường tư.
Xem xét các quan điểm, tranh luận nêu trên, có thể thấy một điểm chung là sự công nhận vai trò của trường công trong tạo ra vốn con người và nâng cao lợi thế cạnh tranh của một quốc gia. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của trường công, nhà nước có thể tạo ra thị trường giáo dục có cạnh tranh bằng cách cho hình thành hệ thống các trường tư, đồng thời thay đổi phương thức tài trợ và đa dạng hóa mô hình quản trị trường công.
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, và ở mức độ nhất định thị trường giáo dục đã hình thành (có các loại trường công, trường tư, trường quốc tế và cạnh tranh với nhau). Vì vậy, chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế là ở Việt Nam có thị trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp có mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia, vai trò của nhà nước đối với giáo dục không hề giảm trong điều kiện có thị trường giáo dục. Vai trò của nhà nước đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng thể hiện chỗ: Thứ nhất, tạo môi trường pháp lý, cơ chế chính sách tốt cho hệ thống giáo dục hoạt động có hiệu quả; thứ hai, nhà nước phải tham gia đầu tư vào giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng theo các mức độ và hình thức khác nhau, thông qua các cơ sở giáo dục công lập nhưng phải mang lại hiệu quả; thứ ba, dù có các mô hình tự chủ tài chính khác nhau, nhưng trường công vẫn thuộc sở hữu nhà nước.