Sinh viên khoa học xã hội và nhân văn có nhiều lợi thế trong khởi nghiệp sáng tạo xã hội, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với thách thức lớn về hạn chế về kỹ năng công nghệ cũng như thiếu nền tảng, định hướng về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Sự hỗ trợ từ các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ giúp xây dựng nền tảng bền vững, cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Cụ thể, IPAM ký kết thỏa thuận với: Vườn ươm và Tăng tốc Khởi nghiệp tác động Việt Nam – VISIA, Công ty Cổ phần Hệ thống mạng thông tin tích hợp Tối ưu – i3 Networks System, Công ty Công ty TNHH Công dân Phát triển Việt Nam - Citizen Developer về việc Hợp tác triển khai chương trình Zoho Young Creator Program (YCP) - Sáng kiến Tuổi trẻ sáng tạo toàn cầu được thiết kế nhằm trao cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tương lai tại Việt Nam cùng mong muốn đóng góp vào Chiến lược Quốc gia phát triển Kinh tế Số và Xã hội Số (Quyết định số 411/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung hợp tác chính tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp và ứng dụng nền tảng công nghệ đến sinh viên, tập trung vào các mô hình khởi nghiệp tác động tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Ra mắt Chương trình R2SI dành cho sinh viên VNU-USSH
Với mong muốn tăng cường sự tham gia của thầy cô, sinh viên khoa học xã hội và nhân văn vào giải quyết các thách thức về xã hội, môi trường trong bối cảnh hiện nay bằng các giải pháp, dự án kinh doanh sáng tạo, hiện thực hoá các nội dung hợp tác, Viện Chính sách và Quản lí xây dựng và chính thức ra mắt Chương trình R2SI nhằm tạo ra không gian ươm tạo doanh nhân đổi mới sáng tạo xã hội tương lai tại Việt Nam.
Road2Social Innovator (R2SI) là một chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở tập trung vào lĩnh vực xã hội dành cho sinh viên, nhằm Trang bị tư duy, kiến thức và kỹ năng sáng tạo xã hội (Nhận diện các vấn đề xã hội cấp bách và thiết kế giải pháp bền vững); Thúc đẩy khởi nghiệp bền vững (Khám phá cơ hội khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh doanh xã hội có tác động bền vững) và Xây dựng mạng lưới kết nối sinh viên với các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và nhà đầu tư, kết nối sinh viên các ngành trong những dự án có tính liên ngành.
Chương trình nhấn mạnh vào việc khai thác tiềm năng của sinh viên khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng với chuyển đổi số, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp bền vững và tư duy sáng tạo xã hội.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thu hút sự quan tâm và đồng hành của nhiều đơn vị trong và ngoài trường như Đoàn Thanh viên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên của Trường, VNFund, YCP, STG, Vườn ươm và Tăng tốc Khởi nghiệp tác động Việt Nam (VISIA); Công ty Cổ phần Hệ thống mạng thông tin tích hợp Tối ưu (i3 Networks System); Công ty Công ty TNHH Công dân Phát triển Việt Nam (Citizen Developer), Công ty TNHH phát triển công dân Việt Nam, Hiệp hội khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, OpenNezt và các đối tác khác trong Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Chương trình sẽ được triển khai qua 4 giai đoạn với những mục tiêu, thông điệp và kế hoạch hoạt động hết sức cụ thể:
Giai đoạn 1: Discover “Social innovator - who you are?” - Khám phá giá trị cá nhân và sức mạnh đổi mới sáng tạo
Giai đoạn 2: Challenge to Innovate – Thử thách sáng tạo
Giai đoạn 3: USSH Lauchpad - Bệ phóng USSH
Giai đoạn 4: Impact the World – Đưa sáng tạo ra thị trường
Ngoài các khóa tập huấn, đào tạo, workshop, talkshows, innovation tours về khởi nghiệp tự thân, Nocode, nhằm trang bị những kiến thức, kĩ năng về khởi nghiệp, trong khuôn khổ của chương trình, sinh viên sẽ được hỗ trợ các công cụ, kĩ năng, nguồn lực để biến ý tưởng giải quyết những thách thức xã hội, những vấn đề đặt hàng từ doanh nghiệp thành dự án khả thi và có thể đưa ra thị trường, tạo ra những tác động xã hội thực tế và giá trị kinh tế.
Những hoạt động này không chỉ xây dựng nền tảng khởi nghiệp bền vững cho sinh viên mà còn góp phần khẳng định cam kết của USSH với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đồng thời tạo thêm giá trị đóng góp cho Impact Ranking, nâng cao vị thế và uy tín của nhà trường trên bản đồ giáo dục quốc tế.
Đây là một cơ hội rất lớn giúp sinh viên Nhân văn Hà Nội trực tiếp tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngay tại trường, có cơ hội phát huy hết thế mạnh của mình, biến kiến thức, kĩ năng, phương pháp về các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn được đào tạo một cách chuyên sâu bài bản thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thành công mang lại giá trị cho bản thân và cộng đồng xã hội.
Với sự tham gia đông đảo của sinh viên thuộc tất cả các ngành trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, Ban điều hành chương trình kì vọng trong năm đầu tiên triển khai sẽ có 10 dự án của chính sinh viên Nhân văn Hà Nội được ươm tạo và ít nhất 3 dự án nhận được sự đầu tư và có sản phẩm ra thị trường.