Lấy cảm hứng từ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945 nhằm xóa mù chữ và nâng cao dân trí, phong trào "Bình dân học vụ số" mang trong mình sứ mệnh mới: Phổ cập kỹ năng số, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả.
Là người phát động phong trào "Bình dân học vụ số", Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhấn mạnh: "Chúng ta không chỉ kế thừa di sản quý báu của lịch sử, mà còn phải biết ứng dụng nó vào thực tiễn hiện nay. Việc trang bị tri thức số sẽ giúp người dân tự tin hơn trong môi trường số, chủ động nắm bắt cơ hội và thích nghi với sự phát triển của công nghệ".
Phong trào "Bình dân học vụ số" cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phong trào giúp người dân tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số; tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số.

Vì sao phải cấp tốc triển khai “Bình dân học vụ số”?
Chia sẻ tại Tọa đàm “Bình dân học vụ số - Làm sao triển khai sâu rộng và hiệu quả?” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Nguyễn Nhật Quang, Hội đồng Sáng lập VINASA - Hiệp hội phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam cho biết, để hiểu tầm quan trọng của phong trào “Bình dân học vụ số” với sứ mệnh phổ cập kỹ năng số, phổ cập AI, đưa công nghệ đến với đại chúng, trước hết cần nhìn lại lịch sử, bởi phong trào này được phát động, lấy cảm hứng, kế thừa từ phong trào “Bình dân học vụ” năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng.
Vào năm 1945, 95% dân số nước ta mù chữ. Ngày 2.9.1945, Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì ngày 3.9, trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra; xác định nhiệm vụ thứ hai là “mở chiến dịch chống nạn mù chữ”, chỉ sau nạn đói. Bác nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".
Ngày 8.9.1945, Chính phủ ban hành các sắc lệnh về giáo dục, trong đó thành lập Nha Bình dân học vụ trong Bộ Quốc gia Giáo dục, quy định mọi người phải ra sức diệt giặc dốt, đi liền với diệt giặc đói và giặc ngoại xâm.

Ông Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh, thời đại hiện nay, chúng ta hướng tới “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, như lời dặn của Bác Hồ. Chúng ta đã thoát nghèo, đã diệt xong “giặc đói”, “giặc dốt”, vậy muốn hướng tới mục tiêu “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì dân trí chung, năng lực chung của toàn dân phải khác ngày xưa.
Bối cảnh, xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là về số hóa hay chuyển đổi số, hình thành môi trường số. Rất nhiều hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp, người dân chuyển sang môi trường số. Nếu người dân không thích nghi được với môi trường số đó, không được trang bị năng lực số (gồm nhận thức, kiến thức, kỹ năng số) phù hợp để kết nối được trên môi trường số thì sẽ bị bỏ lại phía sau - điều này không đúng với đường lối phát triển của chúng ta. Do đó, phải cấp tốc triển khai bình dân học vụ số.
“Có thể nói, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là phương thức chính để đất nước ta phát triển, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để làm được việc này, chúng ta triển khai xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, nếu người dân không có năng lực số phù hợp sẽ không thể tham gia xây dựng chính quyền số, không tham gia được vào nền kinh tế số, xã hội số. Như vậy, chuyển đổi số cũng không thành công.
Chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, đồng thời cũng xác định người dân là chủ thể chính thực hiện cuộc cách mạng về chuyển đổi số. Vì vậy, việc phổ cập kiến thức, kỹ năng, thái độ hay nhận thức cho toàn dân về công nghệ số nói chung, công nghệ AI và những công nghệ khác là cực kỳ cấp thiết và quan trọng”, ông Nguyễn Nhật Quang cho hay.
Theo ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ GD-ĐT, khi chúng ta chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm và triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì công dân số là yếu tố quyết định.
“Một hệ thống dù được thiết kế tốt đến mấy, thân thiện đến mấy mà người dân không biết sử dụng hoặc sử dụng không hết chức năng sẽ thực sự lãng phí”, ông Tô Hồng Nam nhấn mạnh.
Cục Phó Cục Khoa học Công nghệ và Thông tin, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, hiện nay, tất cả hoạt động của người dân trong thế giới thực triển khai ra sao thì ở thế giới số cũng tương tự, thậm chí tương tác trên thế giới số còn lớn hơn. Trên không gian số, nếu người dân không có kỹ năng về số thì không thể lao động, không thể làm việc, thậm chí không thể giải trí.
Do đó, việc mỗi người dân phải có năng lực số là vấn đề đặt ra hết sức cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Cần có nghiên cứu sâu, khoa học để đánh giá nhu cầu học của từng đối tượng
PGS.TS Hà Minh Hoàng, Trưởng Khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để tổ chức phong trào “Bình dân học vụ số” một cách hiệu quả, chất lượng thì phải thay đổi tư duy giảng dạy của giáo viên và người thiết kế chương trình đào tạo. Bởi khi triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” tức là dạy cho người bình dân những kiến thức tương đối khó học, trên những thay đổi tương đối nhanh của công nghệ.
Theo PGS.TS Hà Minh Hoàng, khi thiết kế hay tổ chức các khóa học trong “Bình dân học vụ số” cần đảm bảo 3 yếu tố.
Thứ nhất là tính hữu dụng. Cần hướng dẫn cho người dân những kỹ năng “sát sườn” mà họ có thể dùng được hàng ngày, từ đó giúp họ có động lực, nhu cầu học lớn hơn. Có thể kể đến những kỹ năng như: sử dụng dịch vụ công, bảo mật thông tin, kỹ năng để tránh lừa đảo công nghệ…
Thứ hai, giúp người dân dễ tiếp cận. Về mặt nội dung, những bài giảng phải không quá khó; có thể chia nhỏ các bài giảng thành các module, từng module đi vào một vấn đề cụ thể, thời gian chỉ 10 - 15 phút để học hàng ngày, học ở bất kỳ đâu. Điều này giúp cho người học ngấm dần các kỹ năng số một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, cần truyền đạt kiến thức dựa trên các nền tảng đa phương tiện, có thể trên các khóa đào tạo trực tuyến, các khoá học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs), các lớp học bình dân hoặc học trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, Youtube, Tiktok,... để tiếp cận gần nhất với người dân.

Thứ ba, chương trình phải có tính dễ thay đổi, nhất là dễ thay đổi về nội dung vì công nghệ thay đổi hằng ngày. Cần thiết kế chương trình để linh hoạt với sự thay đổi của công nghệ và nhu cầu của người sử dụng công nghệ.
“Theo tôi, đây là 3 yếu tố quan trọng để định hướng, giúp phong trào “Bình dân học vụ số” thực sự đi vào đời sống của người dân”, PGS.TS Hà Minh Hoàng nhấn mạnh.
PGS.TS Hà Minh Hoàng cũng nhìn nhận, để phong trào được triển khai sâu rộng và hiệu quả, phải huy động được nguồn lực của toàn xã hội và phân bổ sao cho hiệu quả. Ông đề xuất cần có nghiên cứu sâu, mang tính khoa học, hệ thống để đánh giá nhu cầu học về kỹ năng số của xã hội, trên từng đối tượng. Bởi mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu khác nhau nên cần có những bài giảng, cũng như cách đánh giá khác nhau.
Phong trào muốn bền vững phải chuyển dần thành việc xây dựng xã hội học tập
Ông Nguyễn Nhật Quang, Hội đồng Sáng lập VINASA nhìn nhận, với phong trào “Bình dân học vụ số” hiện nay tại Việt Nam, nhiều nơi đã triển khai tổ chuyển đổi số cộng đồng, dựa trên đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên đi dạy cho cộng đồng dân cư; trong từng gia đình thì con cái dạy cho cha mẹ, ông bà. Đây cũng là một sáng kiến rất hay, bởi thanh niên thường tiếp cận công nghệ số nhanh hơn.
Trên thực tế, đã có nhiều sáng kiến triển khai ngay trước khi chúng ta chính thức đặt ra phong trào “Bình dân học vụ số”. Tới nay, khi Đảng đặt ra việc phát động phong trào thì cần hệ thống hóa và triển khai ở quy mô lớn hơn, nhân rộng từ các sáng kiến của địa phương để trở thành phong trào toàn quốc, mọi miền đều phải có “Bình dân học vụ số”.
“Thời xưa, người dân sáng tạo ra những cách khác nhau, khá bình dân và dễ hiểu để học chữ, như: "o" tròn như quả trứng gà, "ô" thì đội mũ "ơ" thì thêm râu. Ngày nay khi áp dụng với “Bình dân học vụ số”, tôi cho rằng nếu chúng ta mời một giáo sư đến dạy năng lực số cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, đôi khi họ có thể thấy khó để hiểu được. Nhưng bằng cách người dân dạy người dân, người học được một chút dạy cho người chưa biết thì nhân dân sẽ sáng tạo ra rất nhiều hình thức để dạy cho nhau về năng lực số”, ông Nguyễn Nhật Quang chia sẻ.

Ông Quang cũng cho rằng, bản thân năng lực số phải được cập nhật liên tục nên phong trào “Bình dân học vụ số” nếu muốn đạt được tính bền vững, thật sự trở thành động lực để phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì phải chuyển dần thành việc xây dựng một xã hội học tập nói chung. Điều này có nghĩa người dân phải ý thức được việc học tập liên tục thay vì học, biết một số kiến thức nào đó là xong; hay các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền khi đã hoàn thành các chỉ tiêu nhất định nào đó đã là hoàn thành nhiệm vụ.
“Phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục, trở thành văn hóa học tập liên tục, xã hội học tập. Văn hóa học tập suốt đời phải ngấm vào từng người dân, chuyển từ phong trào ban đầu thành văn hóa. Theo tôi, đây là thách thức rất lớn”, ông Nguyễn Nhật Quang bày tỏ.
Để đảm bảo tính toàn diện trong việc triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ GD-ĐT cho rằng trước hết cần nâng cao vấn đề nhận thức. Mỗi người dân, mỗi học sinh, giáo viên phải nhận thức được rằng việc trang bị năng lực số là phục vụ chính mình, từ đó dẫn đến hành động trang bị kỹ năng số.
Sau đó, mới tính đến việc cần gì để triển khai. Mọi người dân cần mạng internet, cần máy tính, cần thiết bị thông minh. Theo ông Nam, giải pháp quan trọng hiện nay là ưu tiên các nguồn lực ngân sách Nhà nước, ưu tiên xã hội hóa để trang bị các thiết bị cần thiết cho người dân và phủ sóng đến tất cả vùng miền.
Tuy nhiên, ông Nam cũng nhấn mạnh, khi đã có thiết bị, có sóng internet nhưng người dân không biết dùng thì cũng không có giá trị. “Do đó, chúng ta phải có giải pháp để làm sao người dân bình thường nhất cũng phải biết dùng”, ông nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, để người dân có thể tiếp cận, học tập những kiến thức, kỹ năng số, cần có những giải pháp để hỗ trợ người dân tự học. Với những trường hợp khó khăn trong việc tự học như người lớn tuổi thì cần người hỗ trợ.
“Chúng ta cần một hệ thống tài liệu, bài giảng và có những hướng dẫn đưa lên để cho người dân tự học. Tự học bây giờ không phải là cầm quyển sách nữa, mà có thể dùng ngay các nền tảng số để tự học mọi lúc, mọi nơi. Với những người không tự học được thì trên cơ sở tài liệu đó, thông qua các mentor (người hỗ trợ) giúp cho từng người dân, từng học sinh, giáo viên có thể học được. Mentor sẽ được thông qua bởi các cấp ngành, tổ chức, cũng như các cấp chính quyền địa phương”, ông Tô Hồng Nam đề xuất.
Ông nhấn mạnh, điều then chốt là phải có sự vào cuộc của cả hệ thống, chứ không chỉ ngành giáo dục, ngành thông tin - truyền thông. Chúng ta cần sự tham gia của cả các cấp chính quyền, các đoàn thể và các ngành khác để tạo ra sức mạnh tổng hợp, triển khai đồng bộ, thống nhất và toàn diện.