
Tập trung phát triển tư duy cho học sinh
Để chuẩn bị cho hoạt động này, các trường tham gia khảo sát đã thực hiện một số nội dung quan trọng: Cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn về đánh giá PISA; đảm bảo cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin; tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của kỳ khảo sát; tập trung phát triển năng lực tư duy, giải quyết vấn đề, đọc hiểu, năng lực khoa học cho học sinh - những năng lực cốt lõi được đánh giá trong kỳ PISA.
Về phía học sinh, chia sẻ cảm nhận sau khi tham gia kỳ khảo sát, nhiều em cho biết, việc được trực tiếp tiếp cận với đề thi PISA giúp các em rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, đặc biệt là làm bài trên máy tính; hiểu rõ hơn về các dạng câu hỏi, cấu trúc đề thi; tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới và trau dồi năng lực tư duy phản biện.
Bắc Giang là một trong 60 tỉnh, thành phố trên toàn quốc tham gia khảo sát PISA năm 2025 (từ 15.4-29.4), với 6 trường tham gia.

Theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GDĐT Bắc Giang, địa phương này đang hướng tới trong các giờ trên lớp, các em học sinh khác cũng được tiếp cận theo cách ra đề của kỳ khảo sát PISA, đưa thực tiễn vào trong bài giảng, dùng kiến thức của mình để giải quyết những vấn đề thực tiễn. “Đây cũng là tiền đề và rèn cho các em học sinh nhiều kỹ năng, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chuẩn bị hành trang cho các em trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”, ông Khoa nói.
Lần đầu tiên, học sinh được đánh giá năng lực học tập trong thế giới số
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương, mục tiêu của Việt Nam khi tham gia PISA nhằm tạo ra các bộ chỉ số trung thực, tin cậy, chất lượng về kết quả đánh giá diện rộng của giáo dục phổ thông. Đồng thời, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế, so sánh và học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, qua đó không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục trong nước.

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh, kết quả PISA phải thực chất và đúng với từng địa phương khảo sát, từ đó có các đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia và đề xuất những thay đổi về chính sách. Năm 2025, việc tham gia đánh giá theo PISA bằng phương thức tổ chức trên máy tính sẽ là tiền đề để Việt Nam triển khai tổ chức các kỳ thi, kỳ đánh giá trên máy tính ở phạm vi toàn quốc.
Ghi nhận công tác tổ chức chu đáo, bài bản tại Bắc Giang, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương lưu ý các địa phương, khi triển khai khảo sát PISA, cần thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất, theo đúng quy định của Bộ GDĐT, hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Năm 2025 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện khảo sát PISA trên máy tính tại 60/63 tỉnh, thành phố, ở 195 trường với 7.200 học sinh tham gia. Cùng với đánh giá các lĩnh vực đọc hiểu, toán và khoa học, đây cũng là lần đầu tiên học sinh Việt Nam được tham gia đánh giá năng lực học tập trong thế giới số.
Theo đánh giá sơ bộ của Trung tâm Khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, tính đến hết ngày 16.4.2025, có 36.195 trường tổ chức khảo sát chính thức thành công. Trong đó, 30.36 trường đạt tỉ lệ 100% học sinh tham gia; 06 trường có tỷ lệ tham gia trên 95%, đảm bảo tỷ lệ tham gia theo yêu cầu của OECD.