Beijing News, một cơ quan báo chí Nhà nước Trung Quốc, mới đây đã công bố loạt phóng sự điều tra cho thấy, các loại xe chở dung dịch lỏng (tanker) được sử dụng để chở cả nhiên liệu và các sản phẩm thực phẩm như dầu ăn, dầu đậu nành và xi-rô. Báo cáo cho biết có một "bí mật nhưng ai cũng biết” rằng các xe tải chở dung dịch lỏng này không được vệ sinh giữa các lần giao hàng để tiết kiệm chi phí.
Phóng sự điều tra này đã làm bùng nổ phản ứng và mối quan ngại của công chúng. Dư luận kêu gọi Chính phủ Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp giám sát đối với ngành này.
Trước phản ứng của dư luận, ngày 9.7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thành lập một ủy ban để điều tra vụ việc.
Mặc dù xuất hiện vào thời điểm chính trị nhạy cảm - trước thềm Hội nghị trung ương lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, sẽ khai mạc vào ngày 15.7 tới, tuy nhiên giới quan sát cho rằng, dường như Bắc Kinh sẵn sàng xử lý triệt để vấn đề này bằng cách sẽ thảo luận vụ việc tại Hội nghị cũng như sẽ có những quy định nhằm siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm.
Wang Xiangwei, Phó giáo sư tại Khoa Truyền thông của Đại học Baptist Hong Kong, cho biết Bắc Kinh dường như đã có thái độ "đối mặt trực diện với vấn đề".
Ông Wang, đồng thời là cựu Tổng biên tập của tờ South China Morning Post đánh giá: “Hội đồng Nhà nước cũng đã hành động ngay lập tức để thành lập một nhóm thanh tra chung để giải quyết vụ việc”. “Tất cả cho thấy rằng Chính quyền muốn thực hiện “mệnh lệnh” nổi tiếng mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình từng đề ra: Sứ mệnh của Đảng là đáp ứng mong muốn của người dân về một cuộc sống hạnh phúc”.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố sẽ giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm vô cùng nan giải của Trung Quốc. Trong bài phát biểu năm 2013, ông cho biết lòng mình "trở nên rất nặng nề" khi nghĩ đến những vấn đề này, và cảnh báo rằng tính chính danh của Đảng sẽ bị nghi ngờ nếu Đảng "thậm chí không thể làm tốt công tác an toàn thực phẩm".
Một nhà phân tích chính trị tại Trung Quốc cho biết, xét đến quy mô vụ bê bối mới nhất này, vấn đề an toàn thực phẩm có thể sẽ được nêu ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba, và có thể được đề cập trong "văn bản nghị quyết" của hội nghị, các cuộc thảo luận bao gồm cả các biện pháp khắc phục chắc chắn sẽ được đưa ra vì đây là vấn đề quan trọng nhất liên quan đến cuộc sống của người dân.
Ông cho biết vụ bê bối này cho thấy yêu cầu cấp thiết đối với việc tăng cường giám sát các quy định về an toàn thực phẩm và cũng có thể tác động đến các mặt hàng xuất khẩu liên quan của Trung Quốc cũng như cách chúng được vận chuyển.
Ngoài ra, theo Zhan Jiang, một giáo sư báo chí tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, phóng sự điều tra của Beijing News đã cho thấy “sự giám sát của giới truyền thông là yếu tố không thể thiếu ở bất kỳ quốc gia nào”. Ông cho rằng, những tác động tích cực của truyền thông có thể dẫn đến sự thay đổi trong tư duy chính thức "cho rằng việc truyền thông đưa tin về các vấn đề xã hội tiêu cực có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dân cũng như ảnh hưởng đến sự ổn định”.
Thực tế cho thấy, các phóng viên điều tra đã phát hiện ra nhiều vụ bê bối về an toàn thực phẩm và dược phẩm ở Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây, bao gồm cả sữa công thức bị nhiễm hóa chất melamin, dẫn đến cái chết của sáu trẻ sơ sinh.