Tại sao họ chọn “4 không”?
Cách đây vài năm, một số thanh niên Trung Quốc đã áp dụng thái độ “nằm im” khi họ cảm thấy ngột ngạt trước áp lực xã hội buộc họ phải làm việc quá sức và tìm mọi cách có thu nhập để mua nhà và lập gia đình. Giờ đây, lối sống “4 không” được nhiều người trẻ áp dụng với lý do là thất nghiệp hoặc có thu nhập không ổn định và muốn thoát khỏi gánh nặng tài chính.

Lệnh Hồ Y, quê ở tỉnh Quý Châu, nói rằng không phải anh không muốn tìm bạn đời, mua nhà, kết hôn hay sinh con, mà đơn giản là vì không có khả năng đạt được những mục tiêu này. “Tôi phải đi làm từ tám giờ sáng đến mười giờ đêm và đôi khi làm đến 12 giờ khuya. Thời gian nghỉ ngơi hàng tháng rất ít, lương thực sự không cao lắm và tôi không có khả năng tài chính để chi tiêu cho việc đi chơi với bạn bè... Không có bạn bè thì không có giao tiếp xã hội, không giao tiếp xã hội thì không có người để theo đuổi. Còn về nhà ở, tôi hoàn toàn không dám nghĩ tới” - anh Lệnh Hồ Y chia sẻ.
Còn Giang X, đến từ tỉnh Cam Túc và đang làm việc trong ngành xây dựng ở Thành Ðô, thì cho biết anh muốn sống theo kiểu “4 không” từ sau đại dịch Covid-19. “Tôi không chắc liệu thu nhập của mình có tăng như những năm trước dịch hay không. Vì vậy, không mua nhà, không kết hôn, không sinh con, giảm chi tiêu là lựa chọn tốt nhất cho tôi lúc này” - Giang đúc kết.
Một người thanh niên 30 tuổi khác thì chia sẻ: “Phụ nữ thường tìm kiếm đối tác sở hữu một căn nhà ổn định, nhưng giá bất động sản hiện thực sự quá cao đối với thanh niên. “Không phải là chúng tôi không làm việc chăm chỉ, nhưng sự chăm chỉ của tôi không thấm vào đâu so với mục tiêu mua nhà”. Thanh niên này cho biết anh đã làm việc cho một công ty giao đồ ăn nhỏ ở Bắc Kinh từ năm 2020 nhưng đang nợ 20.000 nhân dân tệ. Một thập kỷ trước, anh ấy có đủ khả năng để hẹn hò nhưng bây giờ thì không thể, và vì vậy, anh cũng không muốn nghĩ tới việc sinh con.
Một báo cáo do Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Quảng Châu tiến hành gần đây dựa trên một cuộc khảo sát đối với 15.501 sinh viên đại học và công dân trẻ cho thấy 1.215 người (tương đương 8%) có mọi đặc điểm của thái độ “bốn không”. Tuy xuất thân từ nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhưng họ có chung một áp lực là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở nhiều mặt.
Ðơn cử ở khía cạnh việc làm, nhiều người đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng thu nhập bấp bênh. Người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Fu Linghui cho biết trong một thông báo hồi tháng 6 rằng có khoảng 6 triệu người trong độ tuổi từ 16 - 24 ở Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm việc làm. Thông báo cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 - 24 ở khu vực thành thị của Trung Quốc đã lên tới 20,8% trong khi tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 - 59 tuổi là 4,1% vào tháng 5.
Tuy nhiên, số liệu thống kê không tính đến 11,6 triệu tân cử nhân sắp ra trường, cũng như chưa tính đến những lao động trong độ tuổi 30 có công việc nhưng thu nhập không ổn định. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng du học sinh về nước là rất lớn, lần đầu tiên vượt quá 1 triệu người vào năm 2021. Nhiều người trong số này đã trở thành thanh niên “4 không”, cơ bản là vì họ ở nhà sau khi tốt nghiệp các trường nổi tiếng và cảm thấy khó tìm được công việc tương xứng.
Viện Tài chính và Ngân hàng thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết trong một báo cáo hôm 26.7 rằng, nhiều thanh niên có trình độ học vấn cao không thể tìm được việc làm phù hợp vì các lĩnh vực bất động sản, internet đã bị ảnh hưởng bởi các quy định pháp lý của chính phủ trong những năm gần đây.
Zhang Chong, một nhà nghiên cứu tại viện, cho biết: “Do nâng cấp ngành, thị trường lao động của Trung Quốc đã trải qua những thay đổi đáng kể với sự tập trung nhiều hơn vào các ngành dịch vụ. Xu hướng này đã đánh vào giới trẻ”.
Ông cho biết nhiều thanh niên có trình độ học vấn cao thấy mình không phù hợp với công việc trên thị trường, nơi nhấn mạnh vào kỹ năng chứ không phải kết quả học tập. Bên cạnh đó, ông cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại, tác động tiêu cực của đại dịch đối với lĩnh vực dịch vụ và việc sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo cũng đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc tăng cao.
Ông Zhang gợi ý rằng chính phủ nên sử dụng các chính sách tiền tệ và tài chính cũng như các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc và tạo việc làm mới. Ông cho biết điều quan trọng là hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản và thay đổi hệ thống giáo dục để giúp sinh viên hòa nhập với thị trường việc làm.
Hệ quả đối với sự sụt giảm dân số
Một trong những hệ quả của thái độ “4 không” trong giới trẻ là góp phần làm giảm tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh vốn đã rất báo động ở Trung Quốc. Tháng trước, Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố rằng có tổng cộng 6,83 triệu cặp kết hôn vào năm 2022, giảm khoảng 800.000 cặp so với năm 2021. Con số năm 2022 cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1986.
Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc thì cho biết tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm xuống 1,07 vào năm ngoái từ mức 1,52 vào năm 2019. Điều đó có nghĩa là một phụ nữ chỉ sinh khoảng một con trong khi Trung Quốc đang cần tỷ lệ 2,1 để đảo ngược xu hướng già hóa dân số. Tỷ lệ sinh mới nhất của Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn của Nhật Bản, vốn đã giảm năm thứ 7 liên tiếp xuống còn 1,26 vào năm 2022. Các nhà nghiên cứu dân số cho biết nhiều cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc sợ hãi trước chi phí sinh hoạt và chi phí nuôi con.
Từ giữa năm 2021, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các gia đình trẻ sinh ba con bằng cách miễn thuế, giảm giá bất động sản và cấm các lớp dạy thêm vào các ngày lễ. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn không ngăn được đà sụt giảm dân số khi Trung Quốc chứng kiến tình trạng dân số giảm lần đầu tiên vào năm 2022 sau 61 năm. Dân số Trung Quốc đã giảm 850.000, tương đương 0,06%, xuống 1,412 tỷ vào cuối năm ngoái so với một năm trước đó, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã mất danh hiệu quốc gia có dân số lớn nhất thế giới vào tay Ấn Độ, quốc gia có dân số tăng lên 1,417 tỷ người vào năm ngoái.
Để “4 không” thành “4 muốn”
Trước thực trạng trên, Ðoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Quảng Châu đã kêu gọi các đoàn thể xã hội tìm cách thay đổi thái độ “4 không” thành “4 muốn” trong thanh niên. Tuy nhiên, cư dân mạng cho rằng trào lưu thanh niên “4 không” diễn ra là vì giới chức chưa đáp ứng những gì mà người trẻ mong muốn. Thay vì tạo điều kiện về nhà ở, công việc ổn định và trợ cấp để nuôi gia đình ở khu vực thành thị, thì một số địa phương lại yêu cầu thanh niên quay về giúp các vùng quê phát triển.
Chẳng hạn hồi tháng 2, Ðoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ðông đã công bố kế hoạch 3 năm nhằm bố trí 300.000 thanh niên làm việc ở các vùng nông thôn trong giai đoạn 2023 - 2025, với hy vọng 10.000 người sẽ khởi nghiệp và 10.000 người khác tiếp tục ở lại làm việc sau đó.
Một nhà văn Trung Quốc cho biết trong một bài báo xuất bản hôm 26.7 rằng Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Quảng Châu muốn những người trẻ tuổi có tinh thần “4 muốn” nhưng việc chỉ hô hào khẩu hiệu thôi sẽ không mang lại hiệu quả. Ông và một số chuyên gia khác cho rằng, điều quan trọng là giới chức chính quyền trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao người trẻ trở nên bi quan, từ đó có phương án trợ giúp phù hợp.