Nằm trong dòng chảy nghiên cứu di sản dòng họ, cuốn sách Hoan Châu ký: Thiên Nam liệt truyện kể về dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An suốt hơn 600 năm không chỉ là một tài liệu lịch sử kể về tiến trình phát triển của một dòng họ, mà còn góp phần làm nên bức tranh về văn hóa và lịch sử quốc gia trên khía cạnh nghiên cứu di sản dòng họ.
Từ đánh giá về cuốn sách tại sự kiện Đối thoại về di sản dòng họ: Lịch sử cá nhân trong dòng lịch sử quốc gia qua trường hợp Hoan Châu ký, do Omega+ tổ chức ngày 19.4, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra giá trị của gia phả trong dòng chảy lịch sử và văn hóa quốc gia.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Nguyễn Thu Hoài, trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã công nhận gia phả là tài liệu quý không chỉ cho các gia đình, dòng họ mà còn cho nhiều ngành học khác. Các cuốn gia phả dù đơn sơ hay tương đối đầy đủ đều là tài liệu quý báu cho các nhà xã hội học, nhà sử học, nhà văn hóa học… Ở Việt Nam, những sử liệu về cá nhân, gia đình, dòng họ mới được quan tâm gần đây nhưng thực tế giá trị của chúng trong đời sống văn hóa dân tộc rất lớn.
“Thậm chí, thế giới đã đi sưu tầm, nghiên cứu tổ chức phả hệ bao trùm cả bên ngoài lãnh thổ quốc gia và kết nối các dữ liệu đó với nhau, tạo ra mảnh ghép sống động, đầy sắc màu của sự liên kết văn hóa, tộc người”, bà Nguyễn Thu Hoài nói.
Trong việc lập gia phả, người ta sử dụng tài liệu lịch sử, ngọc phả các đền, miếu; sử dụng các ghi chép về ngày giỗ, các thông tin truyền khẩu và các hồ sơ khác để có được thông tin về dòng họ và để chứng minh quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ.
Theo những công bố sử học, ở nước ta gia phả có từ rất sớm nhưng phải đến thời Lý, Trần, Lê thế kỷ XIII, XIV, XV mới xuất hiện những cuốn tộc phả, thế phả ghi thế thứ, tông tích toàn họ, hay phả ký ghi lại hành trạng, sự nghiệp của tổ tiên.
Ví dụ thời nhà Lý năm 1026, vua Lý Thái Tổ sai biên soạn Hoàng triều ngọc điệp. Các triều đại tiếp theo tiếp tục có ghi chép gia phả của hoàng tộc như nhà Trần có Hoàng tông ngọc điệp, nhà Lê có Hoàng lê ngọc phả… Dưới triều vua Gia Long (1802 - 1820), nhiều cuốn phả về họ Nguyễn Phúc được soạn dâng lên như: Hoàng triều đại tông đồ, Hoàng gia phả hệ, Hoàng triều ngọc phả...
Cùng với sự xuất hiện gia phả hoàng tộc là gia phả của các danh gia, quan lại và cứ thế lan rộng trong dân gian. Theo nhà báo Nguyễn Phan Khiêm, người có nhiều nghiên cứu gia phả, ở Việt Nam có những cuốn gia phả giá trị, là sự kết hợp giữa văn chương bác học và tiểu thuyết bình dân, với sự xuất hiện những câu chuyện, thơ ca, câu đối, văn vần…
“Những gia phả dòng họ lớn với nhiều nhân vật tham gia vào diễn trình lịch sử của đất nước có thể coi là nguồn sử liệu trực tiếp, cung cấp nhiều thông tin cụ thể, phong phú, có giá trị bổ sung cho nội dung các bộ sử chính thức - vốn thường chỉ đề cập một cách khái quát các sự kiện lịch sử”, nhà báo Nguyễn Phan Khiêm nhận định.
Theo thống kê, hiện trong kho thư tịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có trên 300 cuốn gia phả của các dòng họ. Ngoài tính chất tư liệu riêng của dòng họ, cá nhân, gia phả cung cấp rất nhiều thông tin về hoạt động giáo dục khoa cử, phong tục tập quán, bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội của nước ta trong suốt chiều dài cả nghìn năm mà các thư tịch tài liệu khác không đề cập cụ thể, chi tiết.
TS. Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho biết, hầu hết gia phả đều ghi lại quá trình phát triển của gia tộc, đề cập đến bối cảnh lịch sử quốc gia, dân tộc… Đó chính là góc nhìn để đối sánh, nghiên cứu giá trị của gia phả đóng góp vào nguồn sử liệu của quốc gia, dân tộc.
TS. Phạm Văn Tuấn phân tích, không phủ nhận những ghi chép trong gia phả xuất phát từ chủ quan của gia tộc, song đời sống trong gia phả vô cùng quan trọng, không chỉ là di sản của dòng họ. Nhiều gia phả rất đặc biệt, trường hợp Hoan Châu ký là một ví dụ về sự đặc biệt như vậy khi vừa là sách sử, vừa là sách văn chương, đặt lịch sử của gia đình trong lịch sử của dân tộc.
“Đặt trong sử nó đặc biệt vì có gia phả, đặt trong gia phả nó đặc biệt vì có sử, có văn chương… Để thấy rằng, gia phả là một di sản giá trị mang tầm quốc gia. Nếu được quan tâm, sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật, đối chiếu tư liệu một cách kỹ lưỡng, nó sẽ bổ sung rất nhiều cho nguồn sử liệu quý về địa phương và cho lịch sử văn hóa dân tộc nói chung”, TS. Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh.