Những tượng đài trong tọa độ lửa
Em đưa anh về quê hương Thanh Hóa, nghe giọng hò khoan bên bờ sông Mã. Còn đó Hàm Rồng... Một thời đạn bom, một thời liệt oanh trên quê hương mình...
Trong cái nắng chói chang của những ngày đầu hè cuối tháng Tư, tôi tìm về địa danh nơi từng là "tọa độ lửa của tuyến vận chuyển chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam" - nơi tôi luyện ý chí, bản lĩnh con người xứ Thanh trong mưa bom bão đạn, khẳng định sức mạnh của đường lối chiến tranh nhân dân và ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam… Đó chính là cầu Hàm Rồng nằm vắt ngang qua dòng sông Mã, gối đầu trên ngọn núi Ngọc, núi Rồng.
Theo hồi ức của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển, người đã đi vào lịch sử với kỳ tích vác 2 hòm đạn nặng hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể mình khi mới vừa tròn 19 tuổi: Đúng 13h chiều 3.4.1965, từng tốp máy bay phản lực với đủ các loại F8-RF10, F105 dồn dập lao vào đánh phá Hàm Rồng. Cả bầu trời Hàm Rồng vang lên tiếng gầm rú, mặt đất rung chuyển bởi những loạt bom hạng nặng dội xuống. Trước đó chỉ mấy giờ, máy bay Mỹ đã mở cuộc tấn công ồ ạt vào cầu Đò Lèn (Hà Trung) cũng trên Quốc lộ 1A, cách cầu Hàm Rồng không xa, thực hiện ý đồ phong tỏa lực lượng và cô lập Hàm Rồng để tấn công dứt điểm, nhưng chúng đã thất bại cay đắng trước ý chí kiên cường của quân dân ta. Chỉ trong trong 2 ngày 3 và 4.4.1965 quân dân ta đã bắn hạ 47 chiếc máy bay của Không quân Mỹ, bẻ gãy âm mưu công kích “lá rụng nhiều tầng của kẻ thù”.
Chiến thắng Hàm Rồng đã tiếp thêm niềm tin, ý chí và sức mạnh của cả dân tộc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Mạch máu giao thông Bắc - Nam vẫn được giữ vững, cho những đoàn quân cùng vũ khí, đạn dược thẳng tiến vào Nam, cùng với đồng bào, chiến sĩ miền Nam quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất nước nhà… Từ trên trận địa này đã vang lên khẩu hiệu “thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục" - đó cũng là lời thề sắt son của quân dân ta lúc bấy giờ với những nhịp cầu.
Không chỉ Hàm Rồng, trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các địa danh Đò Lèn, phà Ghép... cũng là những “tọa độ lửa”, nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt của bộ đội pháo binh chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ với lũ “giặc trời” Mỹ tối tân hiện đại với những tên gọi “thần sấm”, “con ma”, “pháo đài bay B52”. Chỉ bằng các loại pháo cao xạ 57, 37, 12 ly 7 cùng súng trường, những phương tiện tối tân, hiện đại của kẻ thù đã gục ngã trước tinh thần, ý chí thép của quân, dân ta. Qua 8 năm anh dũng chiến đấu, quân và dân toàn tỉnh Thanh Hóa đã đánh 10.158 trận lớn nhỏ, bắn rơi 376 máy bay các loại (trong đó có 3 máy bay B52)...
Vừa lo chiến đấu, quân và dân Thanh Hóa vừa lo xây dựng hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đồng thời, tạo thế trận chiến tranh nhân dân thống nhất, chặt chẽ khắp từ miền núi đồng bằng đến các địa phương ven biển... Cũng từ đây, trong mỗi thế núi hình sông lại hiện lên những tượng đài bất tử. Đó là hình ảnh những Mẹ Việt Nam anh hùng “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, những người vợ sắt son trong cuộc chia ly màu đỏ “họ biết xa nhau khi Tổ quốc cần” hay những người con đã bỏ lại một phần thân thể, bỏ lại tuổi thanh xuân hoặc mãi mãi nằm lại với đất mẹ…
Tạo xung lực mới cho sự phát triển
Đã hơn 4 thập niên trôi qua, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Hòa mình vào dòng chảy của thời đại, người dân xứ Thanh lại phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo, với ý chí tự lực, tự cường nỗ lực vượt khó vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương trở thành “kiểu mẫu” như lúc sinh thời Bác hằng mong muốn. Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là trong giai đoạn 10 năm gần đây (2011 - 2020), Thanh Hóa có nhiều bước phát triển vượt bậc, là điểm đến của các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư lớn, tạo cho tỉnh có nhiều xung lực mới, làn sóng mới, vận hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 10,3%/năm. Quy mô GRDP đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh Bắc Trung bộ.
Đặc biệt, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; song tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hiệu quả. Kinh tế giữ vững đà tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,85%, trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, như Ủy viên Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng từng chia sẻ: Không có con đường nào dẫn tới vinh quang lại trải đầy hoa. Trên hành trình vươn tới khát vọng phát triển của mình, Thanh Hóa cũng nghiêm túc nhận thấy rằng, vẫn còn đó những việc cần phải nỗ lực, cố gắng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển; hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp và ở khu vực miền núi chưa được đầu tư đồng bộ, thậm chí còn thiếu và yếu; đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn…
Thanh Hóa hôm nay đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu quan trọng là phấn đấu đến năm 2025, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định. Do đó, để hiện thực mục tiêu nêu trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cho biết: Thời gian tới, cả hệ thống chính trị tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng và triển khai các biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” với lộ trình chặt chẽ, khả thi.
Tỉnh cũng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành để sớm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống. Đặc biệt, khẩn trương phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để được hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội để sớm phát huy hiệu quả các chính sách trong thời gian nhanh nhất, tạo xung lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc…
"Để thực hiện thắng lợi 25 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,5% trở lên, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ 4 lĩnh vực: Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; phát triển hạ tầng; cơ cấu lại và sử dụng hiệu quả nguồn lao động”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.