An vui từ những ngôi nhà
Gia đình chị Lê Thị Hường (sinh năm 1988) ở thôn 5, xã Cán Khê (huyện Như Thanh) là hộ nghèo với 4 nhân khẩu sống trong căn nhà tạm. Bản thân chị Hường thuộc đối tượng khuyết tật trí tuệ đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình chị Hường cũng như từ nguyện vọng của gia đình, cấp ủy, chính quyền, địa phương đã trình các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ làm nhà ở cho gia đình chị. Năm 2024, xã Cán Khê có 3 gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà ở thuộc Chương trình 1719 và Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30.3.2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm (2024 - 2025). Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 1719, Chỉ thị số 22 với tổng số tiền 80 triệu đồng và sự giúp đỡ của người thân, gia đình chị đã xây được ngôi nhà cấp 4. Đến cuối tháng 10.2024 ngôi nhà đã hoàn thành với diện tích 70m2, tổng trị giá gần 200 triệu đồng.
Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Như Thanh Phạm Văn Sang, thời gian qua, huyện đã tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào DTTS, trong 2 năm (2023 - 2024), đã có 40 hộ được xây dựng nhà ở với kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 1 tỷ 600 triệu đồng. Năm 2023, đã có 31 hộ hoàn thành nhà ở và đi vào sử dụng; năm 2024 có 9 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, dự kiến hoàn thành vào cuối năm. Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, qua rà soát toàn huyện có 27 hộ nghèo DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất ở, trong đó có 5 hộ thuộc các xã Xuân Khang, Xuân Phúc, Yên Lạc, Thanh Kỳ, Hải Long đủ điều kiện được thực hiện hỗ trợ về đất ở năm 2024, với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Riêng chính sách hỗ trợ đất sản xuất, qua rà soát có 67 hộ có nhu cầu, song do quỹ đất của địa phương đã ổn định, khó khăn cho việc giao đất sản xuất cho các hộ. Vì vậy, UBND huyện Như Thanh đang rà soát nhu cầu chuyển sang hỗ trợ máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất.
Tại huyện Lang Chánh, việc thực hiện Dự án 1 về hỗ trợ nhà ở đã trở thành điểm sáng trong thực hiện Chương trình 1719 trên địa bàn huyện. Với nguồn vốn được phân bổ 1 tỷ đồng, dự án đã triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 26 hộ nghèo. Trong đó, 24 hộ nghèo được xây mới hoàn toàn nhà ở; 2 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở để cải thiện điều kiện sinh hoạt. Anh Lê Thi Sơn (thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh), là một trong số những hộ nghèo được thụ hưởng chính sách từ dự án hỗ trợ nhà ở. Trước đây, gia đình anh Sơn sống trong ngôi nhà cũ tạm bợ và không bảo đảm an toàn. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, anh Sơn đã có cơ hội xây dựng một ngôi nhà mới kiên cố, an toàn hơn.
Anh Sơn chia sẻ: “Tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Nhờ chính sách hỗ trợ này, gia đình tôi mới có được một căn nhà kiên cố, không còn lo lắng mỗi khi mưa gió. Căn nhà mới đã giúp chúng tôi ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Đây không chỉ là món quà vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn để gia đình tôi tiếp tục phấn đấu trong tương lai”.
Còn ở huyện Quan Sơn, ngôi nhà mới, kiên cố là niềm mơ ước rất lớn đối với gia đình anh Vi Văn Chung (xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn). Từ nguồn vốn Chương trình 1719 cùng với nỗ lực của gia đình, đến nay 8 thành viên trong gia đình anh Chung cũng đã có một căn nhà kiên cố để ổn định cuộc sống. Chia sẻ niềm vui khi được ở trong ngôi nhà mới, anh Chung cho biết: “Trước kia tôi ở nhà sàn, nhưng nhà làm lâu xuống cấp. Muốn làm căn nhà đàng hoàng để ở cho đỡ cực nhưng không đủ tiền. Được nhà nước quan tâm hỗ trợ 40 triệu cho tôi làm nhà, và được anh em họ hàng cho vay thêm mới xây được ngôi nhà”.
Có thể khẳng định, Dự án 1 - Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình 1719 là dự án quan trọng, góp phần giải quyết những nhu cầu cấp thiết cho người dân vùng DTTS và miền núi để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ nguồn vốn thực hiện Dự án 1, nhiều hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nơi ở ổn định, tập trung phát triển sản xuất để vươn lên trong cuộc sống.
Còn nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách
Là cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì triển khai thực hiện Dự án 1, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các huyện. Căn cứ định mức tiêu chí phân bổ vốn của Chương trình 1719 và nhu cầu thực tế của các huyện, Ban Dân tộc đã tham mưu cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí thực hiện Dự án 1 cho các huyện. Cụ thể, từ năm 2022 - 2024, đã phân bổ hơn 142 tỷ cho các nội dung của Dự án 1 (chưa bao gồm kinh phí dành cho việc xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung), gồm: đất ở 7,8 tỷ, nhà ở, 35 tỷ, chuyển đổi nghề hơn 35,8 tỷ, nước sinh hoạt phân tán 64,2 tỷ.
Sau khi kinh phí được phân bổ cho 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn bản thuộc vùng DTTS và miền núi, Ban Dân tộc đã hướng dẫn các huyện triển khai thực hiện việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định. Kết quả hỗ trợ được như sau: Đối với nội dung hỗ trợ nhà ở đã thực hiện hỗ trợ cho 338 hộ xây dựng nhà ở. Hiện nay, các huyện đang triển khai thực hiện xây dựng nhà ở cho các hộ theo nguồn kinh phí năm 2024 với tổng số hộ dự kiến được hỗ trợ là 536 hộ. Đối với nội dung nước sinh hoạt phân tán, thực hiện hỗ trợ cho hơn 17.000 hộ, hiện nay đang tiếp tục thực hiện các bước hỗ trợ theo nguồn kinh phí năm 2024; đối với nội dung đất ở, chuyển đổi nghề cho các hộ chưa có hoặc thiếu đất sản xuất, hiện nay các huyện đang rà soát đối tượng và chuẩn bị các bước hỗ trợ.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Dự án 1 với những chính sách hỗ trợ mang tính nhân văn cao, khi triển khai thực hiện dự án đã nhận được sự đồng thuận, hợp tác của chính quyền địa phương và Nhân dân. Nhờ đó, các chính sách trong Dự án 1 được thực hiện bảo đảm công bằng, thống nhất, công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, việc thực hiện Dự án 1 vẫn có những khó khăn, vướng mắc như: việc hỗ trợ đất ở, mua, chuyển nhượng đất ở cần chi phí lớn, các hộ nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện hỗ trợ về đất ở nhưng lại khó khăn về kinh phí để mua đất dù đã được hỗ trợ 40 triệu đồng. Chưa kể, việc hỗ trợ nhà ở, công tác rà soát đối tượng hỗ trợ nhà ở cũng gặp khó khăn, còn chồng chéo do nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở đang triển khai thực hiện trên cùng địa bàn; nhiều hộ có nhà ở lâu năm trên một số loại đất không có trích lục đất ở, mặc dù có nhu cầu xây dựng nhà nhưng không đủ căn cứ pháp lý để hỗ trợ.
Cùng với đó, hỗ trợ đất sản xuất do địa bàn chủ yếu đồi núi, diện tích đất canh tác ít, không có quỹ đất nên các huyện không thể thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất cho người dân, khi chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề thì việc xác định phương án chuyển đổi nghề của các hộ gặp nhiều khó khăn như học nghề gì để có thể áp dụng vào thực tế trong đời sống, mua loại máy móc gì để phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương…
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Dự án 1, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, sẽ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu cho tỉnh các giải pháp tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại; đồng thời sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương để sửa đổi nội dung, cách làm phù hợp với thực tế vùng DTTS và miền núi để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung hỗ trợ của Dự án.