Suy thận do dùng thuốc chứa corticoid liều cao liên tục
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang thông tin, tiếp nhận bệnh nhi T.B.L (13 tuổi, Tuyên Quang) bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc chứa corticoid liều cao liên tục trong 6 tháng.
Khai thác thông tin, gia đình trẻ cho biết: cuối tháng 10.2023, trẻ ở nhà xuất hiện tăng cân nhanh 5-7kg trong vòng 2 tháng kèm theo phù, ăn uống kém, mệt nhiều... Gia đình đã đưa con đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang và được chẩn đoán bệnh Hội chứng thận hư và sử dụng thuốc Prednisolone điều trị theo phác đồ.
Sau 10 ngày điều trị, trẻ tiến triển tốt, được ra viện và hẹn tái khám sau 4 tuần. Tuy nhiên, sau khi về uống thuốc, do thấy tình trạng trẻ ổn định nên gia đình không đưa trẻ quay lại tái khám tại bệnh viện mà đưa trẻ tái khám ở phòng khám tư.
Đến tháng 2.2024, mặc dù xét nghiệm của trẻ tiến triển tốt nhưng bác sĩ phòng khám tư vẫn cho trẻ duy trì liều tấn công 12 viên prednisolone 5mg/ngày. Gần đây gia đình thấy trẻ tăng cân nhanh (khoảng 1kg/tháng) kèm theo mệt mỏi nên gia đình đã đưa trẻ quay trở lại khám tại phòng khám tư và được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang điều trị.
Tại đây, qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, cùng với các biểu hiện lâm sàng như: bộ mặt cushing, chân tay rậm lông, huyết áp thấp (80/50mmgHg), chỉ số cortisol thấp (6.5 nmol/l). Kết quả chẩn đoán trẻ bị, suy tuyến thượng thận do dùng thuốc có corticoid kéo dài và đã được chuyển ngay về tuyến Trung ương để điều trị.
Theo bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận sản xuất quá ít cortison, dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa suy tuyến thượng thận, người bệnh nên lưu ý luôn sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng quá nhiều thuốc chứa thành phần gây bệnh trong thời gian dài.
Trong đó, có các thuốc không được bác sĩ kê toa (kể cả thuốc đông y) trong điều trị các bệnh lý xương khớp, hoặc thuốc trị cảm ho, sổ mũi, viêm xoang… có tác dụng kháng viêm, giảm đau mạnh đều có nguồn gốc từ corticoid.
Nếu người bệnh tự ý mua thuốc về dùng một cách tùy tiện không theo sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ sẽ rất dễ mắc bệnh. Đồng thời, cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín, để đảm bảo thuốc được dùng đúng cách, đúng chỉ định, tránh biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Trẻ mất nước nặng khi uống quá liều vitamin D người lớn
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị trường hợp bệnh nhi N.V (6 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng quấy khóc, nôn, đi tiểu nhiều, có dấu hiệu mất nước nặng và giảm 0,7kg trong vòng 1 tháng.
Gia đình cháu N.V cho biết, cách đây 3 tháng, gia đình được người quen cho 2 lọ vitamin D3+K2 có hình thức bên ngoài giống hệt nhau (1 lọ dành cho người lớn và 1 lọ cho trẻ em). Do nghĩ cả 2 lọ vitamin D này đều dùng được cho trẻ em đã cho bé uống lọ vitamin D3+K2 MK7 5000IE/ 200μg (dành cho người lớn – PV) với liều lượng 3 giọt/ngày (5.000UI/giọt).
Điều này cũng đồng nghĩa là trẻ đã uống ~ 15.000 UI/ngày (cao gấp nhiều lần liều lượng tối đa vitamin D dùng cho trẻ 6 tháng tuổi), chỉ khi bác sĩ thông báo trẻ bị ngộ độc vitamin D và đối chiếu với lọ thuốc trẻ uống thì gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn tai hại này.
Theo TS.BS Thái Thiên Nam, Phó trưởng khoa Khoa Thận và Lọc máu, khi trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình cho biết trước đó con nôn, tiểu nhiều và sụt cân trong 1 tháng. Tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, kết quả cho thấy trẻ bị tăng canxi máu toàn phần: 5mmol/l (giới hạn bình thường: 2.1 – 2.4 mmol/l), tăng canxi inon hóa: 2.19mmol/l (giới hạn bình thường: 1.15 – 1.3 mmol/l), nồng độ vitamin D3 tăng rất cao: 1.320ng/ml (giới hạn bình thường: 50 – 250 ng/ml).
Tại Khoa Thận và Lọc máu, bệnh nhi được chỉ định ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D, truyền dịch và dùng thuốc lợi tiểu để bù lại lượng dịch mất do nôn, tiểu nhiều và đào thải canxi máu… Sau 5 ngày điều trị, trẻ đã hết nôn, không còn trình trạng mất nước, canxi toàn phần giảm từ 5mmol/l xuống còn 3 mmol/l. Tuy nhiên, vẫn còn đi tiểu nhiều.
Theo kế hoạch, trẻ vẫn tiếp tục tạm ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D trong vòng ít nhất 6 tháng, truyền dịch để bù lại lượng dịch mất và tăng đào thải canxi máu. Sau khi trẻ ra viện sẽ được tái khám định kỳ 2 tuần/lần để kiểm tra biến chứng sỏi thận, lắng đọng canxi ở các cơ quan khác có thể xảy ra.
Bác sĩ Thái Thiên Nam cho biết thêm, theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội tiết Việt Nam, liều dùng tối đa đối với vitamin D ở trẻ như sau: Trẻ dưới 6 tháng tuổi là 1.000UI/ngày; trẻ 12 tháng tuổi, liều là 1.500UI/ngày; trẻ từ 1 tới 3 tuổi là 2.500UI/ngày; trẻ từ 4-8 tuổi là 3.000UI/ngày và trẻ trên 9 tuổi là 4.000UI/ngày. Ngoài ra, có những trường hợp liều ngộ độc vitamin D có thể cao hoặc thấp hơn các mức nêu trên tùy thuộc vào từng thể trạng của trẻ.
Bác sĩ lưu ý, việc cha mẹ tự ý cho trẻ sử dụng vitamin D quá liều có thể gây ngộ độc nhưng triệu chứng ngộ độc sẽ không xảy ra ngay mà khoảng một vài tháng hay thậm chí là một vài năm sau. Khi bị ngộ độc vitamin D, trong máu của trẻ sẽ bị lắng đọng nhiều canxi, dẫn đến tình trạng chán ăn, giảm cân, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, vôi hóa ống thận, suy thận...
Nếu không sớm phát hiện ra tình trạng này, trẻ sẽ phải đối mặt với những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.