Quy định cụ thể, rõ ràng công trình quốc phòng và khu quân sự
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều nay, 28.8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Báo cáo tại hội nghị về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát, phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự cho phù hợp, cụ thể, khoa học, khả thi, gắn với chế độ pháp lý của từng nhóm, loại; có ý kiến đề nghị tách thành 2 điều, phân loại và phân nhóm cho cụ thể.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện. Theo đó, đề nghị cho tách Điều 5 thành 2 điều gồm: Điều 5 quy định công trình quốc phòng và khu quân sự được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng và Điều 6 quy định công trình quốc phòng và khu quân sự được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ.
Về công trình lưỡng dụng, có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật thiếu cụ thể, rõ ràng, khó thực hiện và chưa thống nhất với quy định về “công trình lưỡng dụng” tại Nghị định 164/2018/NĐ-CP, ngày 21.12.2018 của Chính phủ. Do đó, đề nghị xác định công trình lưỡng dụng ngay từ khi có chủ trương đầu tư; quy định cụ thể về thẩm quyền chuyển công trình lưỡng dụng sang mục đích quân sự, dân sự hoặc đồng thời cho cả mục đích quân sự, dân sự; quy định về chính sách và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội và phải được Bộ Quốc phòng đăng ký quản lý hồ sơ.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, đối chiếu với Điều 15 Luật Quốc phòng thì công trình lưỡng dụng quy định tại dự thảo Luật là công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng. Nghị định 164/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể đối với dự án đầu tư, xây dựng có tính lưỡng dụng; quy định cụ thể Kế hoạch về khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và tình trạng chiến tranh, trong đó đã quy định việc “Xác định chính sách và nguồn lực nhằm… thực hiện có hiệu quả kế hoạch”.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để thống nhất với Luật Quốc phòng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã quy định tại khoản 17, Điều 2 và khoản 5, Điều 3 để xây dựng Điều 7 (Công trình lưỡng dụng) như dự thảo Luật.
Làm rõ mức độ của từng loại hình bảo vệ nghiêm ngặt
Thảo luận tại hội nghị, đa số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho rằng, dự thảo Luật đã cơ bản tiếp thu đầy đủ, toàn diện các vấn đề được đại biểu Quốc hội góp ý, bảo đảm đúng với quy định của Hiến pháp và thể chế hóa đầy đủ, chặt chẽ các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị, cần rà soát các luật có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột và đề xuất các phương án để xử lý một cách đồng bộ. Đồng thời, rà soát các quy định chuyển tiếp khi triển khai thực hiện luật, tránh khoảng trống pháp lý trong bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tán thành với việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, song ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đề nghị, tiếp tục làm rõ các quy định bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt, bảo vệ rất nghiêm ngặt, bảo vệ nghiêm ngặt và quá trình triển khai thực hiện như thế nào, mức độ của từng loại hình bảo vệ sẽ được tiến hành ra sao? Bởi tại khoản 3, Điều 18 chỉ quy định về các hoạt động không được thực hiện và chỉ được thực hiện khi cấp thẩm quyền cho phép mà không có quy định về mức độ bảo vệ như quy định tại các Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điều 6 dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, có chiều sâu, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội; đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo đầy đủ các ý kiến thảo luận. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu.