Bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT của tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, độ bao phủ BHYT tăng dần qua các năm và tiến tới bao phủ BHYT toàn dân. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, chỉ tiêu kế hoạch đề ra không đạt. Đại biểu Nguyễn Văn Gia (huyện Lạc Sơn) cho rằng, lĩnh vực BHYT toàn dân còn nhiều bất cập, số người tham gia BHYT tự nguyện thấp. Vậy, với trách nhiệm của mình, UBND tỉnh đã có biện pháp, giải pháp gì để chỉ đạo khắc phục tình trạng trên?
Lý giải nguyên nhân người tham gia BHYT còn thấp, Giám đốc Sở lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quách Thị Kiều cho biết: Thực tế, hiện nay đa phần đối tượng đóng BHYT đều do Nhà nước hỗ trợ. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động đóng theo quy định của pháp luật mới chỉ ở khu vực chính thức, trong khi đó, lao động nằm ở khu vực phi chính thức chưa tham gia BHYT nhiều. Một bộ phận người dân chỉ khi có bệnh mới tham gia BHYT. Đáng chú ý, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số doanh nghiệp phải dừng hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động dẫn đến người lao động không được tham gia BHYT. Trong khi đó, một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất, người lao động không có việc làm nên số nợ BHYT tăng cao so với năm 2019.
Bên cạnh đó, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, công tác kiểm tra, thanh tra có lúc có nơi chưa thường xuyên... Trong cơ cấu lực lượng lao động của tỉnh có 48% là lao động khu vực nông, lâm nghiệp thuỷ sản mà chính sách BHYT đang rất khó tiếp cận được do hầu hết đã lớn tuổi, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa…
Theo bà Kiều, để khắc phục tình trạng trên, tỉnh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng người tham gia. Bên cạnh đó, xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Đồng thời giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố, coi đây là nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Đặc biệt, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Chú trọng chất lượng phục vụ gắn với đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT; xây dựng phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.
Khắc phục những sai lệch, chồng lấn trong giao đất lâm nghiệp
Ngoài chất vấn về lĩnh vực BHYT, các đại biểu cũng cho rằng, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp quyết liệt, giải quyết tình trạng dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định; việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, đầu tư xây dựng và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh cần phải được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.
Về tiến độ thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Hoà Bình đã chất vấn tại kỳ họp lần trước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, Bí thư Thành ủy Hòa Bình Ngô Ngọc Đức cho biết: Hiện nay, dự án chậm tiến độ chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng vì đơn giá thay đổi làm tăng tổng mức đầu tư lên. Điều này ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư. Trước đây, nguốn vốn của dự án là 100% của thành phố, tuy nhiên sau này khi phải điều chỉnh thêm thì có hỗ trợ. Đến thời điểm này, các nguồn vốn đã thông, các giải pháp liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư thì đã hoàn thiện xong. Hiện nay, thành phố đang chi trả tiền đền bù, tiến độ đã được khoảng 50%. Hiện còn một số hộ chưa đồng ý với mức chi trả, đang có kiến nghị và thành phố đang tiếp tục giải quyết. Theo kế hoạch của thành phố, trong tháng 8 sẽ giải quyết xong toàn bộ phần giải phóng mặt bằng và dự kiến trong tháng 11.2022 sẽ hoàn thành dự án. Thời gian tới, Thành uỷ Hoà Bình sẽ thường xuyên chỉ đạo để dự án hoàn thành trong năm 2022.
Liên quan đến việc khắc phục những sai lệch, chồng lấn trong giao đất lâm nghiệp theo Quyết định số 672/QĐ-TTg, ngày 28.4.2006 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nguyễn Trần Anh cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo xin chủ trương thiết kế kỹ thuật - Dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với đăng ký lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất lâm nghiệp. Sở đã báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương lập thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với đăng ký, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất lâm nghiệp trên địa bàn 7 huyện (trừ các huyện, thành phố thực hiện trong dự án tổng thể đang xin chủ trương, lập thiết kế kỹ thuật dự toán: Huyện Đà Bắc đang trong quá trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán; thành phố Hoà Bình và huyện Lương Sơn), thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2026.
Về xử lý các vi phạm về đất đai, đầu tư, xây dựng và nghĩa vụ tài chính các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trần Anh khẳng định: Thực hiện Kết luận thanh ra số 05/KL-TTr, ngày 14.2.2022 của Thanh tra tỉnh về việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 10 dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh, sau khi kiểm tra, rà soát hồ sơ các nội dung có liên quan, ngày 6.4.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1140/STNMT-QLĐĐ gửi UBND các huyện Đà Bắc, Cao Phong và các cơ quan có liên quan về việc thực hiện Kết luận thanh tra số 05/KL-TTr, ngày 14.2.2022 của Thanh tra tỉnh. Trong đó đề nghị UBND huyện Đà Bắc phối hợp với các cơ quan có liên quan phối hợp với các doanh nghiệp có liên quan rà soát lại toàn bộ diện tích đất thuê, đối chiếu với bản đồ đất lâm nghiệp theo Dự án 672 và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định số 2/NĐ-CP, ngày 15.1.1994 của Chính phủ để xác định vị trí, diện tích chồng lần với đất đã cấp cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng làm cơ sở gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh Quyết định điều chỉnh hoặc thu hồi diện tích của các công ty do chồng lấn.
“Đến nay, các công ty đã cung cấp hồ sơ có liên quan đển UBND huyện Đà Bắc thực hiện rà soát. Do diện tích đất thuê của các đơn vị có quy mô lớn, trải dài trên nhiều xã nên hiện nay, UBND huyện Đà Bắc đang phối hợp với các bên liên quan triển khai thực hiện rà soát xác định diện tích đất chồng lấn các dự án trên từng đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi có kết quả rà soát báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình UBND tỉnh điều chỉnh diện tích đất thuê cho các công ty theo quy định”, ông Trần Anh thông tin thêm.