Phải có khung pháp lý phù hợp với thời đại 4.0
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho biết, để giải quyết vấn đề chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, người tiêu dùng.
Đầu tiên, phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, nghĩa là phải có khung pháp lý bắt kịp hơi thở của thời đại 4.0. Từ xây dựng cơ sở pháp lý đó, các bộ, ngành liên quan mới có căn cứ để vào cuộc. Bên cạnh đó, phải xây dựng lực lượng chức năng chuyên trách, vì vấn đề này đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật rất lớn, không đơn thuần như thương mại truyền thống.
Tiếp theo, cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp biết được vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì, từ đó mới ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vấn đề bảo vệ thương hiệu, nhưng doanh nghiệp phải biết được sản phẩm của mình có đang bị làm giả hay không và cần chủ động phối hợp.
Giám đốc chiến lược sàn thương mại điện tử Vỏ Sò Vũ Anh chia sẻ, bản thân doanh nghiệp rất muốn kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa nhưng thiếu hành lang pháp lý, chế tài cụ thể. Bản chất sàn thương mại điện tử là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên trước khách mua. Tuy nhiên, trong nền kinh tế số, tình trạng hoạt động hàng giả, hàng nhái có nhiều cách lách, địa chỉ không thật, kho hàng tập kết không rõ… Do đó, để các sàn phải chịu trách nhiệm toàn bộ với người tiêu dùng về vấn đề này cũng không đúng. Sẽ rất khó cho các sàn khi chưa có khung pháp lý chặt chẽ, khi sự hỗ trợ từ các hiệp hội, cơ quan quản lý với các sàn chưa mạnh.
“Tôi nghĩ, các sàn sẽ phải có trách nhiệm nhất định nhưng sẽ không phải là trách nhiệm hoàn toàn trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Nhưng cũng cần có khung pháp lý đưa các sàn thương mại điện tử vào chịu trách nhiệm liên đới”, ông Vũ Anh nhận định.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, ngoài có khung pháp lý, cơ chế để các bên chịu trách nhiệm, cần phải đào tạo và áp dụng các công nghệ mới để đảm bảo hàng giả hàng nhái không còn lộng hành như hiện nay. Việc đào tạo và truyền thông sẽ giúp người dùng có trách nhiệm, cẩn trọng hơn với các vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong mua sắm trên mạng.
Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần phải kết hợp nguyên tắc là chống đi đôi với xây. Xây ở đây là khía cạnh nâng cao kiến thức của nhà sản xuất, ý thức của người tiêu dùng, năng lực của nhà quản lý, nghĩa là cần có sự phối hợp của các bên liên quan. Ngay bản thân các cơ quan nhà nước không thể né tránh được, phải phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước hay nhiều cơ quan khác như biên phòng, Bộ Y tế…
Vấn đề của thương mại điện tử hiện nay là tràn lan hàng giả, hàng nhái, cần sự vào cuộc của nhiều bên, cùng với hoàn thiện pháp lý, công tác truyền thông, sâu hơn nữa là việc ưu tiên nguồn lực trong quá trình thể chế đang được hoàn thiện.
Nâng cao ý thức người tiêu dùng
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam Nguyễn Đăng Sinh cho biết, với các sàn thương mại điện tử chính thống thì không có vấn đề gì lớn, chỉ cần có cam kết của chủ sàn là không có hàng giả, hàng hóa có xuất xứ hàng hóa rõ ràng thì đầu ra sẽ yên tâm. Tuy nhiên, với những người bán hàng nhỏ lẻ livestream trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok thì không quản lý được.
“Họ đánh du kích, nhỏ lẻ, đôi khi ở trong các chung cư thì không có lực lượng quản lý thị trường nào dám vào để bắt, không có lý do gì để bắt. Mà kể cả vào thì cũng không có gì, họ chỉ có mỗi điện thoại để livestream. Chúng ta không quản lý nổi những cái nhỏ như thế”, ông Sinh cho hay.
Theo ông Nguyễn Đăng Sinh, tất cả người tiêu dùng phải có ý thức trong việc mua bán, không nên mua hàng tại các địa chỉ không rõ xuất xứ hàng hóa, không rõ địa chỉ kinh doanh. Mua hàng phải có chứng từ, hóa đơn. Hóa đơn là thứ rất quan trọng để làm căn cứ kiến nghị, xử lý về sau nếu phát sinh vấn đề.
Ngoài ra, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh TS. Võ Trí Thành cho rằng, cũng cần có các nghiên cứu về hành vi xảo trá, gian dối để lựa chọn khâu nào có tính răn đe, quyết định nhất. Ví dụ: với người tiêu dùng, họ đa số biết chắc là hàng giả, lý do là bởi có nhiều sản phẩm làm giả hàng chính hãng, tuy nhiên được bán với giá rẻ hơn nhiều lần, nên vẫn thu hút một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập hạn chế nhưng lại sính hàng thương hiệu.
Chính vì vậy, phải nâng cao ý thức người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng gặp phải hàng giả thường xuyên và trong thời gian dài thành quen dẫn tới không có ý thức muốn đấu tranh loại bỏ, chấp nhận dùng hàng giả thay cho hàng thật. Ý thức, thói quen tiêu dùng của mọi người là điều đặc biệt quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống hàng giả vì có “cầu” thì mới có “cung”.
Người tiêu dùng cần tự bảo vệ quyền lợi của mình khi mua hàng hóa, tự giác hơn trong việc nâng cao nhận thức, chủ động tìm hiểu thông tin hàng hóa qua nhiều kênh. Đồng thời, không chỉ trong thương mại điện tử mà trong quá trình mua hàng hóa nếu người tiêu dùng gặp các trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng thì hãy phối hợp với các cơ quan chức năng, hoặc gọi điện đến các đường dây nóng để các cơ quan liên quan tiếp nhận thông tin xử lý kịp thời, nhằm ngăn chặn các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm.