Chiều ngày 6.5, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động trên địa bàn.
Tham dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Duy Minh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi; đại diện các sở, ngành và công nhân lao động trên địa bàn.
Tại buổi tiếp xúc, Phó trưởng Đòàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Duy Minh đã thông tin đến cử tri các nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa qua cũng như nội dung dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Bảy sẽ khai mạc vào ngày 20.5 tới; hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố trong việc đóng góp ý kiến trong các dự án Luật.
Cử tri công nhân lao động trên địa bàn thành phố đã gửi các kiến nghị với Đoàn ĐBQH thành phố liên quan đến: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); Chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân lao động; về nhà ở dành cho công nhân…
Cử tri Trần Công Vy (nhân viên Công ty CP MP Pack, thuộc công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng) phản ánh, thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy, vẫn còn một bộ phận người lao động bị "treo" quyền lợi do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình chiếm dụng bảo hiểm, bỏ trốn. Trong khi trách nhiệm thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Người nộp và vi phạm là chủ doanh nghiệp nhưng bị mất quyền lợi lại là công nhân lao động.
Trên cơ sở đó, cử tri đề nghị các ĐBQH thành phố kiến nghị với Quốc hội bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội khi để xảy ra nợ đọng bảo hiểm. Nếu doanh nghiệp đã trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thì người lao động được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm. Mặt khác, cần bổ sung chế tài khởi tố hình sự đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên 6 tháng để bảo đảm quyền lợi cho công nhân lao động.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thái Hiến (Công ty TNHH Interflour) nêu vấn đề, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê. Do đó, cử tri bày tỏ nhu cầu sớm được tiếp cận, thuê nhà ở xã hội nhằm ổn định đời sống.
Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng liên quan đến xem xét, giải quyết. Bởi, các ý kiến góp ý của công nhân liên quan đến chế độ chính sách, nhà ở, bảo hiểm xã hội… đều rất thực tiễn và xác đáng.
Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, một nội dung được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị: Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục rà soát xem xét, mở rộng đối tượng để tạo điều kiện cho công nhân tiếp cận nhà ở xã hội. Tính đến hết năm 2023, thành phố đã hoàn thành hơn 15.549 căn hộ chung cư và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên, trong đó ngân sách thành phố đầu tư hơn 10.579 căn.
Hiện, TP. Đà Nẵng cũng đang xin ý kiến Trung ương về việc chuyển ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội, bố trí cho người lao động. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng tái khẳng định cam kết của thành phố trong việc quan tâm, hỗ trợ cho đội ngũ công nhân với nhiều chính sách phù hợp, bám sát nhu cầu thực tế.
+ Tại hội nghị, Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ 100 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo.