Thể hiện rõ nét hơn tiếng nói của cử tri, Nhân dân
Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ Năm dài 21 trang, như đánh giá của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là đã phần nào phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của cử tri và Nhân dân, tuy nhiên, vẫn cần thể hiện rõ nét hơn tiếng nói của cử tri, Nhân dân, kể cả những nội dung hết sức cụ thể, đời thường.
Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng thiếu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ lao động, giờ làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần phản ánh rõ tình trạng này trong dự thảo báo cáo, nhất là trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp phản ánh, vẫn phải vay với lãi suất 13 - 14% và thủ tục hành chính, điều kiện cho vay còn rất phức tạp.
Một vấn đề nữa, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đó là một số quy định được ban hành không khả thi. Đơn cử, Nghị định số 136/2020/NĐ - CP quy định về phòng cháy, chữa cháy đang phát sinh vướng mắc, có doanh nghiệp phản ánh, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy của nước ta cao hơn cả các nước phát triển, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được và chi phí tuân thủ cũng rất cao. Chính phủ phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp để sớm hoàn thiện thủ tục đưa các dự án mới vào hoạt động.
Tương tự với vấn đề hoàn thuế VAT, doanh nghiệp đến giờ vẫn chưa được hoàn thuế, có doanh nghiệp đang đợi được hoàn thuế lên đến cả trăm tỷ đồng. Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh thẳng thắn: Nếu không được hoàn thuế VAT thì doanh nghiệp lấy nguồn ở đâu để sản xuất kinh doanh, đồng thời đề nghị Chính phủ phải có giải pháp quan tâm xử lý vấn đề này.
Đề cập đến vấn đề phụ cấp cho cán bộ cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, dự thảo báo cáo phải phản ánh được tình trạng mức chi của mỗi địa phương cho cán bộ cơ sở còn chênh lệch. Theo Nghị định của Chính phủ, thì Chính phủ sẽ có khung hướng dẫn chung, còn mức chi tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi địa phương. Điều này dẫn tới, địa phương có điều kiện kinh tế tốt, thì mức chi phụ cấp cho cán bộ cơ sở cao hơn so với địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Ngay giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang, thì mức chênh lệch này cũng từ 3 - 4 lần, tạo ra tâm tư, suy nghĩ trong đội ngũ cán bộ cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh nói.
Thẳng thắn chỉ rõ hiện tượng né tránh, sợ sai, sợ đùn đẩy trách nhiệm
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, dự thảo báo cáo cần thể hiện rõ hơn đời sống của người dân nông thôn, miền núi. Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động khôn lường với nước ta và các nước trên thế giới. Một trong những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là hạn hán nghiêm trọng. Trong khi nền sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số, với nhu cầu sử dụng nước cao. Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chưa phản ánh được lo ngại của cử tri về hiện tượng nóng lên bất thường gây cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội về Đề án an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Nêu vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ báo cáo Đề án được triển khai ở mức độ nào, có bảo đảm nguồn trữ nước cho các vùng có điều kiện tự nhiên khô hạn hay không? Hiện nay một số công trình thủy lợi lớn ở Tây Nguyên đang bị chậm tiến độ, trong đó có nguyên nhân do giải phóng mặt bằng, phân bổ vốn, tiến độ triển khai của nhà đầu tư. Vì thế, Chính phủ cần quan tâm giải quyết gắn với giải pháp chống hạn hán trong giai đoạn tới.
Liên quan đến việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, việc lồng ghép các Chương trình này đang rất khó khăn. Đơn cử Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện phân bổ, giải ngân vốn theo từng dự án, lĩnh vực, còn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho HĐND tỉnh phân bổ. Rõ ràng với cách thức phân bổ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau, nếu lồng ghép thì rất vướng.
Một vướng mắc nữa cũng được chỉ ra tại phiên họp, đó là mức khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ - CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số năm 2015 - 2020 của Chính phủ đang cao hơn mức khoán bảo vệ rừng của Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Và, người dân đang chờ xem sẽ được hưởng theo mức nào? Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần rốt ráo hơn trong xử lý vấn đề này.
Trong phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo theo hướng thể hiện "đậm nét" tiếng nói của người dân, cử tri, "hạn chế cách hành văn theo Nghị quyết, Báo cáo của nhà nước cũng như việc dẫn chiếu các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện của Chính phủ và các bộ, ngành". Đồng thời, rà soát, lựa chọn và đưa thông tin, số liệu điển hình để phán ánh tình hình của cử tri và Nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp đầy đủ, khách quan và sát thực tiễn, phản ánh băn khoăn của người dân xung quanh tình hình kinh tế - xã hội, cả về tình hình tăng trưởng thấp, tăng trưởng âm của nhiều địa phương cũng như tình hình lao động, giảm việc làm, đời sống khó khăn. Phản ánh cụ thể mặt bằng lãi suất, tình hình tiếp cận tín dụng, hoàn thuế VAT, việc cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh. Thẳng thắn chỉ rõ hiện tượng né tránh, sợ sai, sợ đùn đẩy trách nhiệm; tình trạng “cát cứ” trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các sai phạm trong đăng kiểm; tình trạng thiếu giáo viên; vướng mắc trong các tiêu chuẩn, định mức phòng cháy chữa cháy; vấn đề an ninh nguồn nước, phụ cấp cho cán bộ cơ sở, giáo viên mầm non...