Theo dõi phiên khai mạc và phiên tuyên bố của các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị Khí hậu toàn cầu COP26, tôi nhìn thấy sự cam kết mạnh mẽ của các quốc gia về mục tiêu đưa phát thải về Net zero (về 0) vào năm 2050 so với năm 2005. Tôi cũng nhìn thấy cả các thách thức mà các quốc gia, các công dân của địa cầu phải đối mặt trong tương lai trong lộ trình đó. Thách thức lớn nhất vẫn là tham vọng và mục tiêu phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia khiến cho mục tiêu đưa phát thải về zero trở nên khó khăn và thách thức thứ nhì đó là trách nhiệm không thuộc về ai.
Khi xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, GDP và cách để đạt được mục tiêu GDP đó ở mỗi quốc gia sẽ quyết định tổng số khí nhà kính mà quốc gia đó phát thải. Như vậy, GDP là mấu chốt vấn đề.
Có một giải pháp được nhiều bài phát biểu đề cập đến là giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) như một cách khắc phục những sai lầm. Vậy NbS là gì? Tôi lấy vài ví dụ để mọi người cùng tham khảo và thực hành nếu có điều kiện.
Nhà tôi có một khoảng sân và một khu vườn nhỏ. Ở khoảng sân nhà tôi lát gạch và có một cây vú sữa, hai cây nhãn bao quanh. Dù có bóng cây nhưng khoảng sân vẫn nóng rát mỗi khi trời nắng.
Ở khoảng vườn nhỏ nhà tôi trồng cỏ dưới những tán cây. Nhiệt độ trong vườn luôn thấp hơn ngoài sân 5 - 6⁰C cùng thời điểm. Đó thật sự là một khu điều hòa tự nhiên không tốn năng lượng.
Khi mưa, nước ở sân chảy hết ra đường, còn nước trong vườn thấm dần vào đất. Nhờ có quá trình thấm nước đó mà mạch nước ngầm luôn bảo đảm, luôn được bù đắp bởi lượng nước mưa.
Như vậy, giải pháp dựa vào tự nhiên chỉ đơn giản là tôn trọng tính sẵn có của tự nhiên, hạn chế can thiệp bằng các giải pháp beton hay lát đá mà vẫn mang tính thẩm mỹ và công năng sử dụng. Bằng cách ấy, nhiệt độ sẽ được điều hòa, nước sẽ thấm vào đất khiến cây lá tốt tươi và nước ngầm không bị mất.
Gần đây, tôi thấy các vùng thôn quê đang có xu hướng beton hóa, gạch hóa như thành thị. Mọi người muốn lát kín sân và vườn cho nó sạch sẽ và khang trang. Sai rồi! Chúng ta sẽ thành nạn nhân của chính những giải pháp mà chúng ta áp dụng. Nóng sẽ đập vào mặt, nước sẽ trôi hết ra sông ra biển và cây cối sẽ còi cọc héo hon.
Hai tuần trước, tôi ghé bờ biển Hải Tiến. Tôi ngỡ ngàng và tiếc nuối khi thấy người ta xây một dãy đê beton kiên cố dài 5 - 7km bờ biển vốn dĩ xưa kia là bãi cát thoai thoải nối với cồn dương. Sai rồi! Bãi tắm sẽ không còn và chỉ 10 năm thôi, sóng cũng lôi luôn cái bờ kè biển kia đi. Cãi lại thiên nhiên là sai rồi.
Kể ra vài mẩu chuyện nhỏ để thấy rằng cam kết của các nguyên thủ quốc gia không thôi chưa đủ, sự đồng thuận của các quốc gia không thôi cũng chưa đủ, mà rất cần sự đồng hành của mỗi ngành, mỗi cấp và đặc biệt là mỗi cá nhân. Có những việc cần có tiền mới làm được và cũng có những việc chỉ cần thay đổi tư duy thôi cũng làm được.