Gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chứt

Những câu ca, làn điệu hay tiếng đàn của người dân tộc Chứt vang lên mang âm hưởng của núi rừng đại ngàn, nhưng cũng thủ thỉ tiếng lòng tình thân,… được các thế hệ đồng bào tại Quảng Bình cẩn thận truyền dạy lại cho nhau để giữ lấy “tài sản” vô giá của một cộng đồng.

Tiếng đàn ống tâm tình

Vượt gần 100km từ trung tâm thành phố Đồng Hới đến với huyện miền núi Tuyên Hoá, chúng tôi được gặp bà con dân tộc Chứt trong ngày sinh hoạt văn hoá, văn nghệ do Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Quảng Bình tổ chức, trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động tập huấn truyền dạy các loại hình văn hoá phi vật thể cho đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Bình. Những ngày tháng 12 mùa đông của miền Trung thời tiết khá rét, lại thêm giá buốt do mưa, con đường Quốc lộ 12C khá trắc trở, nhưng khi đến Nhà văn hoá tiểu khu Đồng Văn, rất đông bà con đồng bào dân tộc Chứt đã không quản đường xa, việc nhà, tập trung để chuẩn bị cho tiết mục của mình.

z6147826605918-b74ad9fe14e88a4c9b506ae077f62468.jpg
Bà Phạm Thị Lưu trình diễn các bài hát của đồng bào dân tộc Chứt. Ảnh: Khánh Trinh

Giữa đông đảo các thế hệ già trẻ, bất ngờ chúng tôi gặp lại bà Phạm Thị Lưu, người phụ nữ ít năm về trước đã chơi đàn ống, cho nhiều PV chúng tôi nghe nhịp điệu độc đáo, du dương, tại ngôi nhà của bà ở bản Cáo, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình). Lần này, bà lại ngược từ nhà, băng quãng đường hơn 40km đường đèo để về cùng các cán bộ, nghệ nhân, già làng, trưởng bản và người có uy tín cùng ôn lại những bài hát, câu ca và loại hình văn hoá phi vật thể của dân tộc mình; đồng thời nắm và hiểu các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

2.jpg
Bà Phạm Thị Lưu cùng các phụ nữ dân tộc Chứt vượt hơn 40km về trung tâm huyện Tuyên Hóa để tập huấn bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể của đồng bào. Ảnh: Khánh Trinh

Nói cho chúng tôi về chiếc đàn ống, một trong những “báu vật” của người Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt, bà Lưu tự hào kể lại, bà đã gắn bó với cây đàn từ tuổi trăng tròn, nay thi thoảng chiếc đàn vẫn được một số phụ nữ mang đi trình diễn tại các chương trình ở xuôi.

“Đàn ống được làm bằng cây tre, nứa. Người làm đàn phải lựa được cây tre già nhưng thân mỏng, chờ thân cây khô đi mới mang về làm đàn được, như thế đàn mới tạo độ vang, âm thanh thanh thoát”, bà Lưu cho biết.

z6142307824968-b00eb9d07365334d14a26d58c8ce972e.jpg
Chiếc đàn ống được phụ nữ Mã Liềng, dân tộc Chứt giao truyền qua các thế hệ, được trình diễn tại các chương trình bảo tồn văn hoá phi vật thể của dân tộc thiểu số. Ảnh: Khánh Trinh

Theo người Mã Liềng, người chơi đàn ống là phụ nữ, truyền nhau cách chơi đàn từ mẹ sang con gái, do đó, âm thanh của cây đàn giai điệu cảm xúc, tâm sự của người con gái, mang ý nghĩa giao duyên và tình yêu đôi lứa. Đàn ống còn được người Mã Liềng dùng trong các lễ hội, cưới xin, ma chay, lễ cúng thần rừng… tùy thuộc vào những hoàn cảnh khác nhau, họ đánh theo nhịp điệu khác nhau. Nay quần tụ với các thế hệ tại lớp tập huấn, bà Lưu nói nhiều về đàn ống và cũng trình diễn cả bài hát của đồng bào Chứt với niềm tự hào trên sân khấu.

Gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể

Được biết, kho tàng văn nghệ dân gian của người Chứt khá phong phú, người Chứt có rất nhiều làn điệu dân ca như Kà-tưm, Kà-lềnh. Trong những ngày cúng lúa mới, người Chứt cùng quây quần và hát những bài hát bằng tiếng dân tộc trong tiếng đàn Chơ-ra-bon, hay đàn ống. Cây đàn là nhạc cụ duy nhất mà người Chứt còn lưu giữ được qua các biến động lịch sử.

Cùng với tiếng đàn mang âm sắc độc đáo, du dương, những câu ca, bài hát của đồng bào dân tộc Chứt cũng mang bản sắc đặc biệt. Dù không có nhạc đệm mà chỉ được thực hiện bởi đơn ca, song ca hay một đoàn hoà tấu, những câu ca, lời hát đều nhịp nhàng có thanh điệu, đồng thời như lời tâm tình của người thân với nhau hay lời hát về cuộc sống.

z6147826630221-351a13a63dd060ded154ac1635a99cb2.jpg
Bài ru con của đồng bào dân tộc Chứt có giai điệu du dương như lời tâm tình, chan chứa yêu thương của người mẹ dành cho con. Ảnh: Khánh Trinh

Bên cạnh những bài hát với giai điệu vui tươi, bài ru con của đồng bào dân tộc Chứt có giai điệu da diết ngọt ngào. Chị Hồ Thị Nhung (SN 1990), người trình diễn lời ru, cũng là một trong những người trẻ thuộc thế hệ 9x tham gia lớp tập huấn, chia sẻ giai điệu nói về lời mẹ dặn con lớn khôn bên mẹ, sau vững chãi lại giúp mẹ việc trong nhà.

“Tôi đã có con rồi, nên trình diễn bài hát cũng như hát cho con nghe ở nhà. Khi con bé tôi cũng ru con bằng lời bài hát của đồng bào mình. Nay được trình diễn và ôn luyện để các thế hệ trẻ sau cũng có thể biết và tự hào về “tài sản” văn hoá của dân tộc”, chị Hồ Thị Nhung tỏ bày.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá Đinh Tiến Dũng cho rằng, kho tàng văn nghệ dân gian của người Chứt khá đa dạng. Trong thời gian tới, địa phương mong muốn các ngành, các cấp cần bảo tồn, phát huy, khai thác có hiệu quả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào người Chứt, đầu tư phát triển mô hình du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch hang động, sinh thái gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.

Thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch trong khuôn khổ dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Bình cũng đã bước đầu khai thác, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chứt trong hoạt động du lịch.

Các nét đẹp văn hoá cùng câu ca, giai điệu thu hút sự yêu thích của du khách thập phương trong cùng hành trình khám phá thiên nhiên.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Quảng Bình Mai Xuân Thành, việc triển khai thực hiện các mô hình du lịch đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, cải thiện đời sống; đồng thời nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào.

Văn hóa - Thể thao

“Bộ đội Cụ Hồ” - danh hiệu cao quý, niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam
Văn hóa - Thể thao

Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”

Sự xuất hiện, phát triển và định hình danh hiệu, kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong lịch sử đấu tranh cách mạng đã trải qua 80 năm; so với lịch sử dân tộc thì không dài, song nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Tìm hiểu Tết, thêm yêu tiếng Việt
Văn hóa - Thể thao

Tìm hiểu Tết, thêm yêu tiếng Việt

“Tết là nhất - 100 từ vựng đầu đời” là cuốn sách từ vựng chủ đề ngày Tết được sáng tác bởi tác giả Thư Nhiên và minh họa bởi họa sĩ Thùy Cốm, mới được Crabit Kidbooks và Nhà xuất bản Hà Nội ra mắt, hứa hẹn sẽ là món quà năm mới ý nghĩa với trẻ nhỏ.

Cuộc gặp gỡ nghệ thuật đa màu sắc
Văn hóa - Thể thao

Cuộc gặp gỡ nghệ thuật đa màu sắc

Từ nét vẽ tinh tế trên giấy dó, đến những mảng màu rực rỡ, mang đậm nét văn hóa dân gian… mỗi tác phẩm như một câu chuyện riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân, đồng thời tạo nên một tổng thể hài hòa và giàu cảm xúc.

Từ khi thành lập, Quân đội ta luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân
Văn hóa

Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của Nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Ngoài lợi ích của Nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác”.