Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Màu sắc trong tranh Hàng Trống có những nét đặc thù. Hai màu đặc trưng của tranh Hàng Trống chính là xanh da trời và hồng điều. Các màu khác như đỏ, cam, vàng thư, xanh lá cây… cũng được vận dụng, kết hợp tài tình với hệ thống nét đen của màu tự nhiên lấy từ than lá tre ủ kỹ, khiến cho các tác phẩm tranh Hàng Trống rực rỡ, cuốn hút nhưng không kém phần tao nhã, tinh tế.
Cùng với các thể loại khác của tranh Hàng Trống như tranh Tết, tranh thờ…, tranh truyện đẹp về hình thức thẩm mỹ, đa dạng đề tài, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Chiều 18.3, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê tổ chức khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”. Triển lãm gồm 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện là những tích truyện cổ trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Niên đại của các bộ tranh trưng bày tại triển lãm được cho là sáng tạo từ thế kỷ XIX tới trước năm 1945. Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê chia sẻ ông là người nặng lòng với tranh dân gian. Trong suốt hơn 30 năm làm việc cho bảo tàng, ông cùng với các đồng nghiệp đã đi nghiên cứu, sưu tầm tư liệu tại các công trình nghệ thuật, điêu khắc dân gian tại đình, chùa, miếu… Đi đến đâu, ông cũng hỏi người dân về tranh dân gian, ấp ủ sưu tầm, gìn giữ giá trị đặc sắc của dòng tranh này.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho biết, một phần do tranh nằm trong dân, không được bảo lưu bài bản. Phần nữa là thời tiết Việt Nam nồm ẩm, tranh giấy khó giữ lâu dài. Cho nên, ông luôn ý thức việc sưu tầm, gìn giữ là một nhiệm vụ rất quan trọng. “Tôi nhớ năm 1980, trong quá trình sưu tầm, tôi đến một hiệu tranh xưa, các bộ tranh được bó thành bó để trên gác xép vì không ai mua. Mang tranh về phải dụng công bồi lại. Nhiều tranh không còn khôi phục được”.
Trong khuôn khổ sự kiện, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ, nằm trong bộ sưu tập tranh được giới thiệu trong triển lãm.
Chia sẻ lý do trao tặng Bảo tàng, họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho biết, bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ là một trong những tác phẩm có giá trị xã hội rất lớn. Các nhân vật được thể hiện trong bộ tranh đều là những bậc nữ nhi - anh kiệt, chuyển tải được tinh thần của truyện. Đó là sự ca ngợi những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa, nhằm đề cao giáo dục và nhân cách đẹp mà trong xã hội nào cũng cần bồi đắp, xây dựng.
“Qua đây, chúng ta có dịp nhìn lại những tấm gương cao đẹp của người xưa được phản chiếu trong tranh dân gian Hàng Trống là một điều cần thiết và bổ ích. Tiếc rằng bây giờ dòng tranh chỉ còn vang bóng, người sáng tác loại tranh truyện như thế này hiện nay không còn ai”, họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê nói.
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê chính là một trong những người góp phần giữ lửa cho dòng tranh dân gian Hàng Trống. Nhận định như vậy, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho rằng mỗi bức tranh toát lên sự sinh động, ý nhị sâu sắc về nội dung và hình thức.
"Ngày nay trước sự mai một, nguy cơ thất truyền của các dòng tranh dân gian truyền thống, qua bộ sưu tập tranh của họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, mỗi người có cơ hội để chiêm ngưỡng, suy ngẫm nét đẹp của dòng tranh nổi tiếng Hà Thành. Qua đó, tìm về hồn cốt dân tộc, nối dài mạch sống của di sản", bà Nguyễn Thị Tuyết nói.