Cuộc rong chơi với vải và kéo
- Triển lãm “Nghe vải kể chuyện” khai mạc sáng 2.4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam một lần nữa mang lại ấn tượng sâu sắc với đông đảo khán giả. Đây không phải lần đầu tiên bà trưng bày tranh cắt vải. Bà có thể chia sẻ về khác biệt của sự kiện lần này?

- Nghe vải kể chuyện là triển lãm tôi ấp ủ suốt 45 năm cầm kéo cắt vải. Với triển lãm này, lần đầu tiên công chúng có góc nhìn đầy đủ nhất về hành trình làm tranh cắt vải, cũng là lần đầu tiên những bức trường cảnh khổ lớn (200 x 90cm) của tôi được trưng bày. Qua 75 bức tranh với nhiều đề tài khác nhau, tôi muốn ngợi ca phong cảnh đầy ắp cảm xúc từ mũi Sa Vĩ đến mũi Cà Mau, thông qua chất liệu vải.
- Ý tưởng thay thế bút, giấy, màu vẽ để đến với hành trình của kéo và những mảnh vải đến với bà như thế nào?
- Những mảnh vải đầu tiên xuất hiện như một lương duyên khi tôi chỉ 17 - 18 tuổi, đang học hệ trung cấp tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Một ngày, tôi chơi nhà cô bạn thợ may, bị thu hút bởi những mảnh vải vụn nhiều màu sắc, rồi vu vơ ghép, tạo hình ngôi nhà, cái cây… trên miếng bìa. Dần dần, tôi nhận ra sắc vải có sức lay động đáng kinh ngạc. Niềm yêu ấy theo tôi qua tháng năm, nên dáng thành hình như hôm nay.
- Đồng hành với một chất liệu khác lạ trong hội họa, bà nhận thấy điều khó khăn khi làm tranh vải là gì?
- Đến với chất liệu vải, tôi hoàn toàn không có người nào hướng dẫn, cứ từng ngày mày mò. Hồi đầu, những bức tranh hỏng chất đống, bởi tìm được một miếng vải ưng ý, phù hợp độ đậm - nhạt, dày - mỏng, gam màu nóng - lạnh không dễ. Có những họa tiết rất khó chồng lớp để ra được hiệu ứng thị giác đúng ý. Nhiều loại vải tưởng phù hợp mà đặt cạnh nhau lại không tương hỗ. Có những bức hoàn thành đến 70 - 80% mà thiếu vài chi tiết, vẫn phải gác lại, bắt đầu thai nghén tác phẩm mới, tiếp tục sáng tạo, đau đáu kiếm tìm cho tới khi ra được họa tiết trúng ý định thì quay lại hoàn thiện bức tranh. Cho nên các tác phẩm luôn được hoàn thành gối sóng nhau.

- Với tranh cắt vải, việc pha màu, tạo nét ra sao?
- Với mỗi họa tiết, mình chỉ mua được một mảnh vải, may mắn lắm thì được hai. Tất cả sắc vải được sinh ra cũng đã là mặc định, tôi không thể phóng to, cũng không thể thu nhỏ. Mọi ý tưởng xây dựng tác phẩm đều phải nương vào họa tiết mà tôi tìm kiếm được. Cho nên suốt 45 năm qua tôi chưa lần nào vẽ phác thảo cho tác phẩm như công đoạn đầu tiên của quá trình sáng tạo nghệ thuật thông thường. Mọi thứ cứ mường tượng trong đầu và chuyển hóa ngay trên mặt vải…
Đón nhận những tín hiệu tích cực
- Việc nương vào họa tiết mặc định của vải có khiến các tác phẩm bị giới hạn trong việc thể hiện cảm xúc không, thưa bà?
- Như bức tranh Hồ Gươm, tôi thể hiện góc nhìn mới là từ trong tháp Hòa Phong nhìn ra. Chỉ riêng cảnh lớp cỏ dưới chân tháp Rùa, tôi đã mày mò chọn những mảnh vải có sắc độ, họa tiết tương đồng rồi rút đi hết sợi ngang, chỉ để lại sợi dọc. Từ sợi dọc ấy, tôi cắt ngắn lại thành những mẩu vải dài độ một phân đến một phân rưỡi rồi chồng xếp các lớp bé tí lên nhau như cách ông cha lợp mái rạ, để tạo thành độ xốp của thảm cỏ… gợi liên tưởng về không gian, thời gian của di sản Hà Nội.

Họa sĩ Trần Thanh Thục (chính giữa) cùng bạn bè, công chúng yêu nghệ thuật
Nói chung, tôi tin khán giả xem tranh có thể cảm nhận được sự công phu và xúc cảm trong từng nét cắt, họa tiết, sắc màu. Tranh cắt vải hoàn toàn là những mảng màu được in sẵn trên vải, khi màu đã được hấp chín và mỗi sắc vải đưa ra thị trường đã qua tay một nhà thiết kế, nhà tạo mẫu rồi. Nhiều khi tôi nghĩ được sử dụng lại những họa tiết mang tính mỹ thuật ấy là may mắn, bởi bản thân nó đã có câu chuyện sáng tạo, cuốn hút và hấp dẫn.
- Trước công việc hết sức tỉ mẩn như vậy, bà thấy tranh cắt vải mang lại cho mình điều gì?
- Để hàng nghìn mảnh vải riêng lẻ, đứng được cạnh nhau một cách nhuần nhuyễn, nói được điều mình nói thật không dễ dàng. Nhưng bao giờ cũng thế, những thử thách khi vượt qua được cũng đem lại niềm hứng khởi lớn. Càng tìm hiểu, gắn bó, tôi càng đắm chìm trong thế giới đa sắc mà vải mang lại. Trong quá trình sáng tạo, tôi và vải đồng hành, cùng điều chỉnh để hòa hợp lẫn nhau, thể hiện vẻ đẹp của con người, phong cảnh quê hương, đất nước. Quá trình ấy, nhiều khi tôi không nghĩ rằng là mình đang làm việc mà đang được chơi với sắc vải.

Tác phẩm "Bình minh trên phá Tam Giang" của họa sĩ Trần Thanh Thục
- Dường như câu chuyện của vải với bà không chỉ là tạo hình nên tranh?
- 45 năm qua, tôi đã đặt chân tới nhiều miền đất. Lên Hà Giang, tôi tìm được những mảnh thổ cẩm chất chứa hương sắc vùng cao. Ở Hà Nội, tôi tìm thấy sắc vải đầy tinh tế, thanh lịch in dấu văn hiến nghìn năm. Vào Huế, tôi bị thu hút bởi sắc vải thường dùng may áo dài, tim tím, biêng biếc, dịu hiền. Vào Nam bộ, tôi ngạc nhiên, thích thú mang về những sắc vải như ôm trọn cuộc đời sương gió miền sông nước... Mới nói, vải còn là văn hóa, vải còn là người, kể chuyện người.
- Có khán giả nói rằng họ cảm nhận ẩn sâu dưới từng tầng màu, tầng hình là tình yêu, niềm khao khát được bày tỏ tình yêu với đất mẹ. Bà nghĩ sao về điều này?
- Trong suốt cuộc đời gắn bó với hội họa, cùng vải đi qua thăng trầm, điều tôi muốn kể, chia sẻ với mọi người là vẻ đẹp của mảnh đất hình chữ S, từ cao nguyên xa xôi đến miền trung du, từ con phố nhỏ đến vùng biển trời rộng lớn… Mỗi chúng ta hãy cứ sống chậm lại, cảm nhận sự chuyển giao tinh tế giữa cái cũ và cái mới, hòa vào cuộc sống, đất trời, đón nhận những tín hiệu sống rất tích cực đang đến từng ngày…
- Xin cảm ơn họa sĩ!