Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, mục tiêu của Hội nghị là huy động nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ đó hiện thực hóa các quy hoạch đã được đề ra.

Trong thời gian qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã trở thành thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia để tập trung tái hiện gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Việc xây dựng Làng Văn hóa không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân trong nước và du khách quốc tế, mà còn phác họa hình ảnh đẹp về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Sự đầu tư có chọn lọc vào lĩnh vực văn hóa không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tạo nên giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia.

Hội nghị diễn ra với 2 phiên gồm: Cơ chế ưu đãi thuận lợi và tiềm năng phát triển đầu tư tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Giải pháp tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã chỉ ra rằng, mặc dù Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có quy hoạch ổn định, nhưng một số cơ chế, chính sách đầu tư vẫn chưa được làm rõ. Việc tháo gỡ các rào cản về pháp lý, bao gồm những quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam rất cần thiết để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Để giải quyết vấn đề này, việc ban hành các quy chế cụ thể về đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là vô cùng cần thiết. Hệ thống hóa các quy định pháp lý sẽ không chỉ giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận mà còn tạo sự minh bạch và công bằng trong quá trình đầu tư, từ đó phát huy tối đa nguồn lực cho sự phát triển văn hóa. Ngoài ra, Ban quản lý Làng Văn hóa cũng cần tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực về quản lý và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, qua đó tạo ra sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho rằng, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh và hội nhập kinh tế - văn hóa trong nước và quốc tế, nhiều biến đổi lớn tại nơi chủ thể là đồng bào các dân tộc sinh sống, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang dần mai một. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm ban hành các chính sách góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, xác định Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là địa chỉ lắng đọng không gian văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi giao lưu, gặp gỡ, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.