Chương trình kỳ họp rất hợp lý, khoa học, hiệu quả
Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã giải quyết khối lượng công việc rất lớn, cả về lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và công tác nhân sự. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có trách nhiệm; phối hợp nhịp nhàng; được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, dân chủ, công khai minh bạch, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, do đó, đạt được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội.
Điểm nổi bật của Kỳ họp thứ Năm được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao là cách thức tiến hành kỳ họp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chương trình Kỳ họp được bố trí khoa học, hợp lý, tiếp tục có nhiều đổi mới, được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình. Đơn cử, việc bố trí Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo tổng hợp giải quyết kiến nghị của cử tri là rất phù hợp và cần thiết, được sự đồng thuận của đại biểu, dư luận cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng khẳng định, cách thức bố trí chương trình kỳ họp rất hợp lý, khoa học, bảo đảm quỹ thời gian và hiệu quả công việc; vừa bảo đảm tính linh hoạt, với việc bổ sung kịp thời một số nội dung vào chương trình kỳ họp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, không làm tăng thêm thời gian kỳ họp, nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội.
Việc lần đầu tiên Kỳ họp được chia làm hai đợt họp trực tiếp và dành khoảng một tuần giữa hai đợt họp là kinh nghiệm rất tốt cần tiếp tục phát huy. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cách thức này đã tạo điều kiện cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua. Các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm cũng có thời gian giải quyết công việc ở địa phương, cơ quan, đơn vị của mình. Đặc biệt, một trong những đổi mới hiệu quả là việc lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp 4 ngày liên tục trong thời gian giữa hai đợt họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung lớn dự kiến được tiếp thu, chỉnh lý trong các dự thảo Luật. Trước đây, những nội dung này thường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản.
Cùng với đó, công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch rất khoa học, linh hoạt; phát huy được tính dân chủ, tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên họp. Đặc biệt ấn tượng với vai trò điều hành của Chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 3 Bộ trưởng lần đầu đăng đàn tại Kỳ họp thứ Năm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội rất tinh tế, khéo léo, hài hòa, gợi mở nhiều nội dung để các Bộ trưởng có thời gian nghiên cứu trả lời, trao đổi, làm rõ vấn đề, nhờ đó, phần trả lời của 3 Bộ trưởng cơ bản đạt yêu cầu đặt ra.
Khẩn trương triển khai thi hành các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua
Trong Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ Năm, do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày cho biết, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm của Kỳ họp, được chuẩn bị khá công phu, chất lượng và được tiến hành đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Các luật, nghị quyết được thông qua tạo cơ sở pháp lý quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về các lĩnh vực có liên quan. Các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là việc có thêm một tuần giữa hai đợt họp đã tạo thời gian cho các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến của đại biểu, được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận rất cao. Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật…
Về một số nội dung cần quan tâm chỉ đạo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề nổi cộm, được cử tri và Nhân dân quan tâm.
Các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Trong đó, tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay (dự kiến diễn ra ngày 21.8.2023); Hội nghị tổng kết công tác giám sát năm 2023 và triển khai Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật, nghị quyết …
Tán thành với đánh giá, nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khẳng định, thành công của Kỳ họp thứ Năm là nhờ sự chỉ đạo, điều hành dân chủ, linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã tích cực, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ tài liệu, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Công tác phục vụ kỳ họp đã được thực hiện khoa học, chu đáo, an toàn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ ngay cho các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan khẩn trương triển khai ngay các nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.
Lưu ý một số hạn chế cần sớm khắc phục trong công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội chưa hài lòng về tình trạng tài liệu của một số dự án luật gửi chậm. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, công tác chuẩn bị tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ Sáu sắp tới cần được Chính phủ chuẩn bị khẩn trương hơn nữa.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Sáu diễn ra vào tháng 10 tới, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan rút kinh nghiệm, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu, tờ trình. Văn phòng Chính phủ cũng có nhiều văn bản đôn đốc các bộ, ngành gửi tài liệu bảo đảm kịp tiến độ, khắc phục tình trạng “kỳ họp nào cũng gửi báo cáo chậm”.