Nhìn lại năm 2024, kinh tế nước ta đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài, làm gia tăng áp lực cho công tác điều hành vĩ mô. Khó khăn, thách thức đầu tiên có thể kể đến là phải xử lý những vướng mắc, bất cập trong nội tại nền kinh tế đã tồn đọng, tích tụ nhiều năm qua, đồng thời phải ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh, đặc biệt là hậu quả của bão số 3 (bão Yagi).
Tiếp đó là những “điểm nghẽn” về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Là tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các siêu cường; số doanh nghiệp phá sản, phải dừng hoạt động tăng cao, gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng...
Dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV thì nền kinh tế nước ta cũng có không ít thuận lợi. Cụ thể là kinh tế vĩ mô nói chung, quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế đang cho thấy nền tảng tương đối tốt. Thứ hai là nhiều chính sách và những đổi mới đã và đang được đẩy mạnh và ban hành rất nhanh đã tháo gỡ nhiều vướng mắc. Thứ ba, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, dù còn chậm nhưng cũng đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Và cuối cùng là các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng như của các bộ, ngành, địa phương đang phát huy hiệu quả rất cao.
Đây là những nền tảng, tiền đề quan trọng cho tăng trưởng, phát triển kinh tế không chỉ năm 2025, cho giai đoạn 2026 - 2030 mà còn để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Đảng...
Ngoài ra, tại Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20.12.2024 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Trong 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý đến đột phá về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Bởi thể chế là nguồn lực, động lực phát triển; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển. Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, ngược lại thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển. Hoàn thiện thể chế sẽ góp phần đắc lực thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển. Đồng thời phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhất là thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới để đạt được hai mục tiêu 100 năm là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045). Các ngành kinh tế cũng phải chủ động hành động để hướng tới mục tiêu này - Thủ tướng nhấn mạnh.
Có thể thấy, dù đã có những nền tảng vĩ mô tương đối vững chắc, nhưng mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2025 cũng ở mức rất cao (GDP ở mức 8%, thậm chí là hai con số). Bởi vậy, như ý kiến của một chuyên gia thì chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ về tư duy, thái độ và những điều kiện, nguồn lực mới có thể thực hiện được.