Trong bối cảnh đất nước không ngừng đổi mới và hội nhập sâu rộng, việc xây dựng một nền hành chính hiệu quả, minh bạch và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ cấp bách. Đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch thường xuyên nhằm sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức trên nguyên tắc "có vào - ra, có lên - xuống" của Bộ Nội vụ không chỉ mang tính cần thiết mà còn là nền tảng tạo bước đột phá trong công tác quản lý cán bộ. Tuy nhiên, để cơ chế này thực sự mang lại hiệu quả, cần có sự đồng thuận cao, cách tiếp cận khoa học và linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Trước hết, không thể phủ nhận rằng, đề xuất này thể hiện một bước tiến lớn trong tư duy quản lý nhà nước. Thực tế, việc duy trì đội ngũ cán bộ, công chức ổn định trong một thời gian dài mà không có sự đánh giá và sàng lọc thường xuyên đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Một số người làm việc không hiệu quả, né tránh trách nhiệm, thiếu năng lực đổi mới nhưng vẫn tồn tại trong bộ máy hành chính. Tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” vốn được nhiều người nhắc đến, trở thành một căn bệnh kinh niên trong hệ thống hành chính nước ta. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả công việc mà còn làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền.
Cơ chế sát hạch thường xuyên sẽ giúp khắc phục tình trạng trên, bảo đảm rằng những cá nhân thực sự có năng lực, tâm huyết và sáng tạo được giữ lại và phát triển, trong khi những người không đáp ứng được yêu cầu sẽ phải rời khỏi hệ thống hoặc chuyển sang vị trí phù hợp hơn. Đây là nguyên tắc "có vào - ra, có lên - xuống" mà Bộ Nội vụ nhấn mạnh, đồng thời cũng là tiêu chí để xây dựng một đội ngũ công chức chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.
Dù vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là: làm thế nào để cơ chế sát hạch thường xuyên thực sự hiệu quả, minh bạch và công bằng?
Để làm được điều đó, trước hết, mỗi cơ quan, tổ chức cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với đặc thù công việc, đồng thời bảo đảm tính minh bạch và khả thi. Các tiêu chí này cần phản ánh được không chỉ năng lực chuyên môn mà còn cả thái độ làm việc, tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo và đóng góp thực tế của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, các tiêu chí này cần được công khai để mọi người đều nắm rõ và có thể tự đánh giá bản thân trước khi tham gia sát hạch.
Thứ hai, công tác sát hạch không nên chỉ dựa vào các bài kiểm tra kiến thức lý thuyết mà cần kết hợp nhiều hình thức khác nhau như: phỏng vấn trực tiếp, đánh giá hiệu quả công việc thực tế, kiểm tra kỹ năng xử lý tình huống và khả năng thích nghi với những thay đổi trong môi trường làm việc. Một phương pháp sát hạch toàn diện sẽ bảo đảm rằng những người có năng lực thực sự được ghi nhận.
Thứ ba, để tránh tình trạng tiêu cực, gian lận, cần có cơ chế giám sát độc lập từ các tổ chức bên ngoài, như: các cơ quan kiểm toán, tổ chức xã hội hoặc hội đồng chuyên gia. Việc này không chỉ giúp bảo đảm tính công bằng mà còn tạo sự tin tưởng từ phía công chức và dư luận xã hội.
Thứ tư, kết quả sát hạch không nên chỉ được sử dụng để loại bỏ những người không đạt yêu cầu mà còn cần được gắn kết với các cơ hội phát triển cho những người có năng lực. Các cá nhân xuất sắc nên được ưu tiên tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng và thăng tiến trong sự nghiệp. Ngược lại, những người có kết quả chưa tốt cần được hỗ trợ, đào tạo lại hoặc chuyển sang vị trí phù hợp hơn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Như vậy, nếu được xây dựng và thực hiện đúng cách, cơ chế sát hạch thường xuyên sẽ mang lại nhiều tác động tích cực: những cán bộ, công chức không đủ năng lực sẽ được thay thế bởi những người có trình độ, khả năng và nhiệt huyết hơn; một môi trường làm việc minh bạch, công bằng và có cơ hội phát triển sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan nhà nước; các cán bộ, công chức sẽ có ý thức tự trau dồi, nâng cao năng lực để đáp ứng các yêu cầu sát hạch và nắm bắt cơ hội thăng tiến; một đội ngũ công chức chất lượng cao, làm việc hiệu quả sẽ tạo được lòng tin từ người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện hình ảnh của bộ máy hành chính công.
Cuối cùng, đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch thường xuyên của Bộ Nội vụ là một hướng đi đúng đắn và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để hiện thực hóa cơ chế này, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cách tiếp cận linh hoạt và sự đồng thuận cao từ tất cả các bên liên quan. Cơ chế sát hạch không chỉ là công cụ sàng lọc mà còn là nền tảng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là tiền đề để xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.