Thực hiện hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính
Cục Hải quan Đồng Nai được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Với địa bàn quản lý rộng, nhân sự thiếu, để có thể hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Nguyễn Dương Hoài cho biết, bên cạnh các chương trình do Tổng cục Hải quan hỗ trợ như: quản lý vi phạm, E-Doccustoms, Netoffice, Dịch vụ công trực tuyến, sau thông quan, Seal định vị, quản lý C/O điện tử, hệ thống thông tin tờ khai… Cục Hải quan Đồng Nai đã triển khai thực hiện hiệu quả các công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các chương trình phần mềm quản lý đối với quản lý nhân sự, văn bản, chương trình phục vụ công tác nghiệp vụ.
Vừa qua, Hải quan tỉnh Đồng Nai đã đưa vào vận hành có hiệu quả hệ thống Dịch vụ công trực tuyến với mức độ 3, 4, qua đó tiếp nhận 13.179 hồ sơ, trong đó đã xử lý 13.175 hồ sơ, đang xử lý 4 hồ sơ, đạt 99,97%. Việc vận hành hệ thống giúp thời gian thông quan trung bình năm 2023 cho một lô hàng hóa xuất khẩu là 4’39s và lô hàng nhập khẩu là 1h30’; 100% số doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử. 100% các quy trình hải quan cơ bản được tự động hóa, như: hệ thống quản lý phương tiện đường biển (E-manifest), thông tin nghiệp vụ hải quan (Ecustom- V5), quản lý hải quan tự động (VASCM)... được khai thác, vận hành đồng bộ với hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa và chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.
Ngoài hiệu quả từ cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, một kết quả nổi bật nữa, là sự kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý. Trong quá trình hoạt động, Cục Hải quan Đồng Nai luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hướng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia vào tiến trình cải cách, hiện đại hóa cũng như nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan. Đặc biệt, khi xây dựng các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực hải quan, cơ quan hải quan đã đi từ thực tiễn cuộc sống để thúc đẩy sự chia sẻ của doanh nghiệp. Qua đó, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là chính sách, pháp luật trong lĩnh vực hải quan...
Dù vậy, theo đại diện Cục Hải quan Đồng Nai, do yêu cầu công tác cải cách hiện đại hóa ngày càng cao, đột phá, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay ngành hải quan đang triển khai quyết liệt nhiều chương trình, đề án quản lý mới, hiện đại hóa, điện tử hóa, nên tình hình nhân sự cũng gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, việc thực hiện một số hoạt động chi tiết còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan, như lộ trình triển khai của ngành, sự phối hợp của doanh nghiệp, của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành...
Theo Cục Hải quan Đồng Nai, việc nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của ngành hải quan nói chung và Cục Hải quan Đồng Nai nói riêng phụ thuộc lớn vào sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan cùng tham gia quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu. Do đó, kiến nghị các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cũng phải cải cách hiện đại hóa song song với ngành hải quan để mang đến nhiều thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, thông quan điện tử, hiện đại hóa hải quan, thông thoáng môi trường cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là giảm chi phí dịch vụ...
Nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp hơn nữa
Tại cuộc làm việc với Cục Hải quan Đồng Nai của Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Pháp luật về việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nêu rõ, là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động, song hải quan Đồng Nai đã vượt qua mọi khó khăn, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là sự kết nối giữa hải quan với doanh nghiệp; kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Qua đó, ngày càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng vào kết quả nguồn thu ngân sách nhà nước của Hải quan Đồng Nai luôn thuộc nhóm các đơn vị hải quan đứng đầu cả nước.
Nhấn mạnh hải quan là “cánh cổng” quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, việc tuân thủ các thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí là chủ trương và xu thế chung. Do đó, Cục Hải quan Đồng Nai cần tiếp tục nghiên cứu, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp hơn nữa.
Đánh giá cao những kết quả Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai đã đạt được, trong đó nổi bật là đơn vị tiên phong trong triển khai thủ tục hành chính, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu đề nghị làm rõ hơn sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận trong quá trình triển khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
ĐBQH Vũ Ngọc Long (Bình Phước) cho rằng, trước những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thông quan điện tử tại địa phương có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, thì việc sớm có phương án bảo trì, nâng cấp, ứng dụng công nghệ hiện đại, từ đó đồng bộ hệ thống thông quan điện tử là cần thiết. Điều này không chỉ tạo điều kiện mà còn bảo vệ các doanh nghiệp. Bởi, trên thực tế với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, việc tự xây dựng phần mềm riêng không khó, song trong quá trình chuyển đổi sẽ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như dễ phát sinh rủi ro về mặt thủ tục thông quan sau này, chưa kể khó khăn trong việc đồng bộ với hệ thống chung.