Băn khoăn kiểm tra chuyên ngành
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tổ chức đo thời gian giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu một cách minh bạch; kết quả cho thấy, trong tổng thời gian từ khi đăng ký tờ khai đến khi thông quan/giải phóng hàng thì thời gian làm thủ tục của cơ quan hải quan chỉ chiếm khoảng 28%; 72% thời gian còn lại phụ thuộc vào thủ tục của cơ quan quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, giữa các cơ quan quản lý thiếu sự phối hợp đồng bộ nên doanh nghiệp phải chờ lâu.
Theo các doanh nghiệp, hiện nay thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng nhưng đối với hàng hóa cần phải kiểm tra chuyên ngành lại rất khó khăn; trình tự, thủ tục kiểm tra chuyên nghiệp có nhiều khác biệt tùy theo bộ, ngành quản lý và loại hình hàng hóa; dẫn tới doanh nghiệp mất nhiều thời gian đọc hiểu các luật chuyên ngành và các nghị định hướng dẫn. Trong khi đó, cách hiểu và cách triển khai của các bộ, ngành chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều; các bộ, ngành cần xem xét giảm số nhóm sản phẩm, giảm số lượng dòng hàng cần kiểm tra và giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Mặt khác, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà; tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành còn tồn tại. Một mặt hàng có thể bị quản lý cùng lúc bởi nhiều bộ, ngành; thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy đa số được thực hiện kiểm tra tập trung tại các cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải tới tận các bộ, ngành mới giải quyết xong việc. Thực tế này gây nhiều phiền toái, do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp.
Cho rằng hiện nay có quá nhiều bộ, ngành quản lý kiểm tra chuyên ngành khiến việc thực hiện khó khăn, bà Bùi Thanh Duyên, Công ty TNHH BASF Việt Nam cho biết, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất đa ngành hàng. Tuy nhiên, BASF gặp khó khăn trong việc xác định mặt hàng nhập khẩu thuộc chính sách quản lý và kiểm tra chuyên ngành thuộc cơ quan nào. Bởi vì, hiện tại có nhiều bộ và cơ quan ngang bộ cùng quản lý chuyên ngành, trong đó có 13 bộ quản lý đối với hàng hóa phải kiểm tra chất lượng; 3 bộ quản lý hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm…
Là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều quy mô lớn, Công ty CP Long Sơn cũng gặp vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành khi hạt điều nhập khẩu về phải để tại cảng để chờ lấy mẫu kiểm dịch thực vật. Trong thời gian chờ kết quả kiểm tra, doanh nghiệp tốn thêm chi phí lưu container, lưu bãi.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Nghị định
Không ít doanh nghiệp kiến nghị rằng, cần thiết có một Nghị định khung với mục tiêu cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thông quan hàng hóa, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục đã tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Dự thảo nhằm cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức…
Dự thảo Nghị định được đánh giá là một văn bản khó, dù chỉ đưa ra các quy trình thủ tục nhưng tác động rất nhiều đến quá trình cải cách của các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Trong gần 3 năm hoàn thiện dự thảo Nghị định, ban soạn thảo đã tổ chức hàng trăm lần lấy ý kiến cả bằng văn bản, tổ chức họp, hội thảo với các bộ, cơ quan, doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến, chỉnh lý. Mỗi một lần chỉnh lý, Tổng cục Hải quan liên tục làm việc với các đơn vị còn ý kiến khác nhau, để đi đến phương án thống nhất.
Từ quy định "nhiều điều" về kiểm tra chuyên ngành, tới nay, dự thảo Nghị định đã chuyển thành chỉ quy định về mặt cơ chế. Cụ thể hơn, dự thảo đưa ra cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra về chất lượng và kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Đặc biệt, Dự thảo không làm thay đổi vai trò quản lý của các bộ, ngành và vai trò kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu của cơ quan kiểm tra. Theo đó, cơ quan kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu vẫn là các cơ quan như hiện nay; cơ quan hải quan chỉ thực hiện kiểm tra hồ sơ đối với thực phẩm nhập khẩu.