Hướng về cơ sở
Năm 2024, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, tạo động lực, tiền đề đánh dấu bước phát triển của phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới. Với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết”, Tháng Công nhân năm 2024, tổ chức Công đoàn Việt Nam thể hiện quyết tâm cao, trách nhiệm lớn, cùng nỗ lực hành động đã đạt kết quả tương đối toàn diện theo các nội dung đề ra với chủ đề phù hợp. 27.591 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp triển khai thực hiện, vượt chi tiêu của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao; trong đó, có 606 mô hình được thí điểm và đẩy mạnh thực hiện.
Các cấp công đoàn đã chủ động triển khai Tháng Công nhân gắn với chủ đề, nhiệm vụ công tác năm 2024. Thành công của Tháng Công nhân đã lan tỏa, tạo được dấu ấn sôi nổi, đậm nét trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn. Chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa ĐBQH với công nhân lao động là điểm mới, lần đầu tiên được triển khai trong Tháng Công nhân năm 2023 và tiếp tục triển khai trong năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực. Nội dung tập trung bám sát các vấn đề lớn trong các dự án Luật liên quan trực tiếp đến công nhân lao động, tổ chức công đoàn như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi).
Đặc biệt, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và người sử dụng lao động đã tạo nên đợt cao điểm cùng hành động để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến giai cấp công nhân; luôn lắng nghe, chia sẻ và tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động.
Với nỗ lực của các cấp công đoàn trên cả nước, Tháng Công nhân 2024 thực sự hướng về cơ sở, mang lại kết quả tốt, lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của đông đảo cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức lao động. Đặc biệt, nhiều cách làm hay mô hình tốt được triển khai, phát huy hiệu quả. Đó cũng là kết quả chỉ đạo nhiều năm của các cấp công đoàn cả nước chuyển Tháng Công nhân về cơ sở, do cơ sở tổ chức và cho đoàn viên công đoàn, người lao động.
Trong Tháng Công nhân, các cấp công đoàn đã trao quà, hỗ trợ gần 2 triệu lượt đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ, trị giá hơn 77 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa 960 căn nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên khó khăn với tổng kinh phí hơn 33 tỷ đồng. Một số công đoàn cơ sở có cách làm hay như: Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Changshin Việt Nam (Đồng Nai) đã thành lập Đội Tình nguyện sửa chữa nhà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn; công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Taekwang Vina (Đồng Nai) đã thành lập trung tâm phúc lợi dành cho người lao động của công ty. Song song đó là triển khai các mô hình phúc lợi cho người lao động tại cơ sở như: mô hình “Vòng tay Công đoàn”, “Bữa cơm công đoàn”, "Trung tâm phúc lợi Công đoàn", “Ngày hội việc làm”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Tuần lễ bán hàng giảm giá cho công nhân lao động”; “Phẫu thuật mắt cho người lao động và người thân của họ bị đục thủy tinh thể”…
Hài hòa quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp
Bên cạnh kết quả đạt được, việc duy trì khí thế, tinh thần của Tháng Công nhân có lúc, có nơi chưa ổn định, còn tình trạng hình thức hóa hoạt động để báo cáo. Một số đơn vị xây dựng kế hoạch còn chung chung, chưa thể hiện rõ chủ đề, nội dung cần tập trung thực hiện để phù hợp với đặc thù, điều kiện thực tiễn của địa phương, ngành; còn tình trạng sao chép nội dung chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chưa sáng tạo trong tham mưu thực hiện. Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với công nhân lao động và tổ chức công đoàn đã được quan tâm thực hiện có chất lượng hơn, tuy nhiên cách thức tổ chức, nội dung đối thoại một số nơi còn hình thức. Các hoạt động tại cơ sở được quan tâm nhiều hơn so với các năm trước nhưng nội dung chủ yếu là hoạt động chăm lo và hoạt động phong trào…
Thực tế trên đặt ra yêu cầu công đoàn cần tăng cường nắm bắt tình hình đoàn viên, người lao động để xác định trọng tâm, trọng điểm hoạt động đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và tạo được sự thống nhất trong toàn hệ thống công đoàn, sự đồng thuận của xã hội. Nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn để kịp thời điều chỉnh hoạt động cho phù hợp, bảo đảm hài hòa quyền lợi của đoàn viên, người lao động và doanh nghiệp. Cán bộ công đoàn cơ sở cần linh hoạt trong lựa chọn nội dung, hình thức hoạt động vừa phù hợp với tình hình chung, điều kiện của công đoàn cơ sở, công nhân lao động, doanh nghiệp; cần chủ động trong đàm phán, thương lượng, vận động người sử dụng lao động phối hợp tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân, bảo đảm thực hiện các chế độ, chính sách cho đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp.