Cụ thể hóa 9 nhóm chính sách lớn
Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Luật xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL), viết cho các nước phát triển - nơi có hệ thống, pháp luật và văn hóa khá khác biệt. Trong khi thời điểm đó ngành công nghệ thông tin của nước ta cũng như hoạt động giao dịch điện tử, Chính phủ điện tử và thương mại điện tử chưa phát triển. Vì vậy, khi áp dụng đã nảy sinh một số bất cập, khó thực thi trong thực tế, đặc biệt là đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, do là luật khung, mang tính nguyên tắc nên trong 15 năm qua chỉ có một số lĩnh vực chịu áp lực lớn của hội nhập quốc tế chủ động xây dựng các văn bản dưới luật để ứng dụng mạnh giao dịch điện tử như thông tin và truyền thông (chữ ký số), ngân hàng (thanh toán điện tử), tài chính (giao dịch chứng khoán, hóa đơn điện tử, thuế điện tử, hải quan điện tử) và thương mại điện tử. Với các lĩnh vực còn lại, việc áp dụng giao dịch điện tử vẫn khó khăn do thiếu quy định cụ thể. Hơn nữa Luật hiện hành cũng chưa điều chỉnh tất cả các lĩnh vực.
Ban soạn thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cho biết, dự kiến Dự thảo Luật sửa đổi gồm 8 chương và 60 điều, cụ thể hóa 9 nhóm chính sách lớn gồm mở rộng phạm vi điều chỉnh; bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, tài khoản giao dịch và hợp đồng điện tử; bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử; quy định về dịch vụ tin cậy; an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử; dữ liệu số, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử và nền tảng số.
Hình thành hệ thống dữ liệu mở
Đánh giá về Dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, với những thay đổi tích cực như bổ sung quy định về mức độ tin cậy của tài khoản giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, quy định về chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Dự thảo Luật cũng dành riêng Chương V quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, trong đó có một điều về dữ liệu mở.
Tuy nhiên, bên cạnh khái niệm dữ liệu, dữ liệu số, cần bổ sung khái niệm “dữ liệu mở” trong điều giải thích từ ngữ, cũng như phân loại rõ dữ liệu mở nói chung và dữ liệu mở của cơ quan nhà nước. Đồng thời bổ sung quy định về việc thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, có lộ trình cấp phép và ban hành dữ liệu mở để hình thành nguồn dữ liệu mở mang tính hệ thống, phân loại rõ ràng, chặt chẽ theo từng lĩnh vực, ngành nghề kèm theo quyền sử dụng dữ liệu.
Liên quan đến đề xuất này, đại diện Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam, nhiều nước phát triển trên thế giới đã công bố chính sách về dữ liệu mở từ nhiều năm nay. Điển hình là Chính phủ Mỹ công bố dữ liệu mở thông qua cổng dữ liệu Chính phủ từ năm 2009, trở thành hình mẫu cho việc cải cách Chính phủ mở. Đến năm 2016, đã có 75 quốc gia tham gia chương trình Đối tác Chính phủ mở do Mỹ xây dựng.
Thực tế nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật về tự do thông tin quy định rõ ràng về dữ liệu mở Chính phủ và lợi ích của nó nhằm giảm thiểu tham nhũng và sự thiếu minh bạch. Các quốc gia ở châu Á cũng đã sớm công bố dữ liệu mở. Theo một số liệu khảo sát, năm 2014 đã có 38 quốc gia cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ thông qua cổng dữ liệu Chính phủ. Còn theo báo cáo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020, đã có 80% quốc gia xây dựng cổng dữ liệu để cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ phục vụ doanh nghiệp và người dân. Việc này đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá Chính phủ điện tử của các quốc gia. Vì vậy dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần thiết quy định chi tiết về giấy phép, quy trình mở dữ liệu của cơ quan nhà nước.
Cũng liên quan đến giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, đại diện Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, các quy định trong chương này mới chỉ tập trung vào quản lý và kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Để phù hợp với tên chương, cần giữ nguyên các quy định về nguyên tắc tiến hành giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, giá trị pháp lý của kết quả giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan như đã được thiết kế tại Dự thảo trước. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về việc giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Vì trong thực tế việc ký hợp đồng điện tử giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện do Kho bạc Nhà nước chưa chấp nhận giao dịch điện tử.