Đề cao vai trò của ngoại giao nghị viện trong hội nhập khu vực
- Đại hội đồng AIPA - 42 thông qua 25 nghị quyết, trong đó, Nghị quyết “Thúc đẩy ngoại giao Nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN” đề cao vai trò của nghị viện trong tiến trình xây dựng Cộng đồng. Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết này?
- Đại hội đồng AIPA - 42 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn. Việc duy trì môi trường hòa bình ổn định, thượng tôn pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để các nước tập trung phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi bền vững là hết sức quan trọng. Để đạt được điều này, các nghị viện cần phát huy vai trò tích cực trong hình thành môi trường hòa bình, an ninh khu vực dựa trên luật lệ quốc tế.
Tại phiên họp của Ủy ban Chính trị, các nghị sĩ AIPA đã thông qua Nghị quyết Thúc đẩy ngoại giao Nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN với sự đồng thuận cao. Nghị quyết nhấn mạnh, nghị sĩ là người đại diện cho Nhân dân, vì vậy, sự phát triển của quan hệ hợp tác liên nghị viện thông qua ngoại giao nghị viện có thể đóng vai trò nền tảng vững chắc cho Cộng đồng ASEAN hướng về người dân.
Trong Nghị quyết, AIPA kêu gọi thúc đẩy ngoại giao nghị viện thông qua mọi cấp độ hoạt động, nhằm hướng tới Cộng đồng ASEAN; đồng thời, tăng cường ngoại giao nghị viện giữa AIPA và cộng đồng quốc tế. AIPA cũng khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN tích cực tham gia các hoạt động của AIPA, nhằm thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa AIPA và ASEAN. Do đó, Nghị quyết góp phần tăng cường vai trò của các Nghị viện thành viên AIPA trong ủng hộ mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ các nước ASEAN trong thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2025; đặc biệt, đề cao vai trò của Nghị viện trong sử dụng các công cụ lập pháp nhằm tạo điều kiện cho việc giải quyết những bất đồng mà giữa Chính phủ các nước chưa đạt được thỏa thuận quốc tế chung.
- Như bà vừa đề cập ở trên, duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định đóng vai trò quan trọng tạo điều kiện cho các nước trong khu vực tập trung ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xây dựng Cộng đồng ASEAN thịnh vượng. Quốc hội Việt Nam chia sẻ quan điểm này như thế nào, thưa bà?
- Trong bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp toàn thể thứ Nhất, Chủ tịch Quốc hội đã nêu bật tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng lực tự cường, bản lĩnh vững vàng và vai trò trung tâm của ASEAN trong ứng phó với đại dịch Covid-19; phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của AIPA và các Nghị viện thành viên trong đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số cũng như trong xây dựng Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh các đề xuất nhằm thúc đẩy hợp tác nghị viện trong quá trình chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các Nghị viện thành viên AIPA ủng hộ tích cực và đồng hành với Chính phủ các nước ASEAN trong việc duy trì, thúc đẩy các tiến trình đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, giúp ngăn ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây bất ổn, qua đó góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định bền vững ở khu vực. Quan điểm này đã được các Trưởng đoàn đại biểu Nghị viện thành viên AIPA ủng hộ và thể hiện trong Nghị quyết “Thúc đẩy ngoại giao Nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN”.
Những năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện ở cả cấp độ song phương và đa phương. Tại Ủy ban Chính trị của Đại hội đồng AIPA - 41 năm 2020, Việt Nam đã đề xuất và cùng tham gia bảo trợ với Thái Lan một nội dung tương tự. Việt Nam cho rằng, là cơ quan lập pháp, nghị viện các nước một mặt có thể nội luật hóa các cam kết quốc tế, tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ và cam kết đối với các công ước và luật pháp quốc tế; mặt khác, xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đồng thời, củng cố sự tin cậy lẫn nhau, bảo đảm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương ASEAN về tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao.
Tại phiên họp của Ủy ban Chính trị vừa qua, Đoàn Việt Nam tiếp tục nêu rõ quan điểm, ngoại giao nghị viện cần góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc; đồng thời, ủng hộ Chính phủ các nước ASEAN đẩy mạnh hội nhập khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN tôn trọng luật lệ, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới người dân, cùng ứng phó với thách thức toàn cầu như Covid-19.
Đóng góp thực chất, hiệu quả
- Ủy ban Tổ chức của Đại hội đồng AIPA - 42 đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng nhằm củng cố hoạt động của tổ chức và tạo cơ sở để thực hiện những hoạt động mới của AIPA thời gian tới, thưa bà?
- Bên cạnh xem xét các nội dung liên quan đến công việc hàng năm, Ủy ban Tổ chức của Đại hội đồng AIPA - 42 cũng đã thông qua nhiều Nghị quyết liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế cho các hoạt động của AIPA. Cụ thể là các Nghị quyết: Công nhận Quan sát viên mới của AIPA đối với Nghị viện Ukraine và Nghị viện Pakistan; Sửa đổi Quy chế AIPA; Hướng dẫn Quy trình thủ tục đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA; Hướng dẫn và Quy trình họp điều trần AIPA - ASEAN; Quy định và thủ tục Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA; thiết lập cơ chế Đối thoại AIPA - Nghị viện châu Âu (EP)...
Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và có những đóng góp trí tuệ vào các Nghị quyết, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của AIPA ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
- Với Nghị quyết Hướng dẫn và Quy trình họp điều trần AIPA - ASEAN, Đoàn Việt Nam đã có đóng góp như thế nào, thưa bà?
- Một trong những lý do quan trọng nhất để AIPA được hình thành và tổ chức là nhằm tạo điều kiện cho việc đạt được các mục tiêu của ASEAN và tăng cường sự đóng góp của Nghị viện cho hội nhập ASEAN, để người dân ASEAN hiểu về các chính sách trong việc thúc đẩy hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN, theo quy định tại Khoản 2 và 3, Điều 3 của Quy chế AIPA. Với việc thực hiện kế hoạch hội nhập ASEAN, các nghị viện thành viên AIPA thông qua các biện pháp khác nhau như phê chuẩn các nghị định thư và hiệp ước, ban hành luật mới và sửa đổi các luật hiện hành để thực hiện Kế hoạch hội nhập ASEAN. Ngoài ra, các Nghị viện thành viên thực hiện các hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật phù hợp với các mục tiêu của Kế hoạch Hội nhập ASEAN.
AIPA đóng vai trò quan trọng như một đối tác chiến lược trong việc triển khai Kế hoạch Hội nhập ASEAN. Tuy nhiên, các cơ chế đối thoại hiện có giữa lãnh đạo AIPA và ASEAN còn mang tính hình thức và hạn chế. Do đó, các nghị viện thành viên AIPA nhất trí thể chế hóa một cơ chế đối thoại có ý nghĩa và thực chất giữa AIPA và ASEAN và được tiến hành tại mỗi kỳ Đại hội đồng, hoặc theo phương thức phù hợp để thảo luận về Kế hoạch Hội nhập ASEAN.
Tổ chức đối thoại AIPA - ASEAN là nội dung đã được thảo luận từ năm 2019 và 2020. Đại hội đồng AIPA - 40 đã thông qua Nghị quyết về Thể chế hóa Đối thoại AIPA - ASEAN và nhất trí giao cho Ban Thư ký AIPA dự thảo bản Hướng dẫn quy trình đối thoại giữa AIPA và ASEAN. Mục tiêu của Đối thoại là thiết lập một hình thức chính thức để trao đổi thông tin, kiến thức, hiểu biết về quan hệ đối tác giữa AIPA và ASEAN, cũng như thảo luận về kế hoạch hội nhập ASEAN.
Đoàn Việt Nam nhất trí ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác giữa ASEAN và AIPA. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đề nghị đổi tên gọi của cơ chế này theo đề xuất ban đầu là “Đối thoại ASEAN và AIPA”, với lý do Ban Thư ký ASEAN không đủ thẩm quyền để đại diện cho ASEAN đối thoại với các nghị sĩ AIPA. Tham khảo kinh nghiệm của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức phiên họp điều trần IPU - Liên Hợp Quốc hàng năm, là cơ hội để các nghị sĩ thảo luận và nghe báo cáo cập nhật của đại diện Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Đoàn Việt Nam đã đề xuất đổi tên cơ chế này là “Họp điều trần AIPA - ASEAN”. Theo đề xuất của Việt Nam, tại các phiên điều trần, đại diện của Ban Thư ký ASEAN đến và báo cáo các nghị sĩ AIPA cập nhật hoạt động của ASEAN và nghe các đề nghị của các nghị sĩ AIPA. Đoàn Việt Nam cũng kiến nghị, nên chọn một chủ đề chính cho phiên họp điều trần để những ý kiến đóng góp tại thảo luận được tập trung hơn. Báo cáo phiên họp sẽ được chuyển tới Chủ tịch ASEAN và các nước thành viên ASEAN.
Tiếp thu kiến nghị của Đoàn Việt Nam, Nghị quyết được đổi tên từ “Hướng dẫn và Quy trình đối thoại AIPA - ASEAN” sang “Hướng dẫn và Quy trình họp điều trần AIPA - ASEAN”. Bên cạnh đó, những ý kiến đóng góp của Việt Nam về hướng dẫn và quy trình tiến hành họp điều trần AIPA - ASEAN cũng được thể hiện trong Nghị quyết này.
- Đối với Nghị quyết thiết lập cơ chế Đối thoại AIPA - EP, Đoàn Việt Nam đã có những đóng góp gì, thưa bà?
- EU là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN. Ở chiều ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU. Ngoài quan hệ kinh tế và thương mại, EU và ASEAN đặt mục tiêu nâng lên quan hệ Đối tác chiến lược nhằm thúc đẩy các lợi ích dựa trên các giá trị chung.
EP là quan sát viên của AIPA từ năm 1980. Hàng năm, phái đoàn EP về quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN (DASE) thường xuyên tham dự Đại hội đồng AIPA và đối thoại với các nước thành viên AIPA bên lề Đại hội đồng.
Để làm sâu sắc thêm, tăng cường mở rộng mối quan hệ của EP và AIPA, hai bên đã nhất trí tổ chức một phiên họp liên khu vực và phiên họp được tổ chức thành công qua hình thức trực tuyến vào ngày 22.6.2021. Trên cơ sở thành công của phiên đối thoại đầu tiên cũng như mong muốn tiếp tục tăng cường đối thoại giữa hai bên, Ban Thư ký AIPA có sáng kiến thành lập Đối thoại thường niên liên khu vực ngoài khuôn khổ Đại hội đồng AIPA.
Tại phiên họp của Ủy ban Tổ chức, Đoàn Việt Nam đồng thuận với đa số ý kiến của các Nghị viện thành viên AIPA về sáng kiến này của Ban Thư ký AIPA và cho rằng, đây là cơ hội để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa AIPA và nghị viện Quan sát viên. AIPA cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các nghị viện quan sát viên AIPA nhằm đạt được những kết quả hợp tác cụ thể và thiết thực hơn đối với AIPA. Các cơ chế đối thoại riêng, ngoài khuôn khổ Đại hội đồng cũng là một hình thức đưa quan hệ hợp tác giữa AIPA và EP vào chiều sâu, thực chất, song hành với sự phát triển của quan hệ đối tác ASEAN - EU.
- Xin cảm ơn bà!