Về sáng quyền sửa đổi, bổ sung hiến pháp: đa số hiến pháp trao quyền đưa ra sáng kiến sửa đổi Hiến pháp cho Quốc hội, người đứng đầu Nhà nước (Tổng thống), Chính phủ. Hiến pháp một số nước còn quy định cho cả một số lượng nhất định các nghị sỹ quốc hội, một số cử tri tối thiểu hoặc một số lượng cơ quan dân cử cấp tỉnh cũng có quyền đưa sáng kiến sửa đổi hiến pháp. Dự thảo đề án sửa đổi hiến pháp thường do một ủy ban hoặc một ban sửa đổi hiến pháp do nghị viện hoặc người đứng đầu nhà nước (hay đứng đầu Chính phủ) thành lập. Riêng ở Mỹ, Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung hiến pháp thường do cá nhân nghị sỹ hoặc một nhóm nghị sỹ quốc hội soạn thảo và đệ trình lên quốc hội.
Thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: ở các nước, đối với sửa đổi hiến pháp, phải yêu cầu đa sốë tuyệt đối của tổng số thành viên của quốc hội tán thành (thông thường từ 2/3 trở lên). Đối với những nước quốc hội gồm hai viện thì sửa đổi hiến pháp phải được đa số tuyệt đối của tổng số thành viên của mỗi viện tán thành. Ví dụ, dự thảo sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản được Nghị viện chấp thuận khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hạ nghị viện và của Thượng nghị viện biểu quyết tán thành. Điều 5 Hiến pháp năm 1787 của Hoa Kỳ quy định: khi có 2/3 thành viên của cả hai viện đều xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp ở 2/3 các bang, Quốc hội sẽ đưa ra những điều sửa đổi đối với hiến pháp này và sẽ triệu tập Đại hội để đề xuất những điều sửa đổi; cả trong hai trường hợp chúng đều có hiệu lực như một bộ phận của hiến pháp khi được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang, hoặc bởi Đại hội của ba phần tư các bang, theo một thể thức phê chuẩn do Quốc hội đề nghị.
Hiến pháp Italy còn quy định dự thảo sửa đổi hiến pháp phải được Nghị viện thảo luận 2 lần, lần sau cách lần đầu ít nhất 3 tháng và phải được 2/3 nghị sỹ mỗi viện tán thành. Nếu không đạt được đa số tuyệt đối (2/3) như trên tán thành thì 1/5 tổng số nghị sỹ của mỗi viện, hay 500.000 cử tri hoặc cơ quan dân cử của 5 tỉnh trở lên có quyền yêu cầu đưa dự thảo sửa đổi Hiến pháp ra để trưng cầu ý dân.
Phê chuẩn những sửa đổi, bổ sung hiến pháp đã được thông qua: theo điều 89 Hiến pháp Cộng hòa Pháp, sau khi Nghị viện thông qua các điều sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống triệu tập cuộc họp với sự tham dự của các thành viên của cả hai viện để phê chuẩn những sửa đổi đó. Ở Hy Lạp, sửa đổi Hiến pháp phải được thông qua bởi hai khóa liên tiếp của Viện đại biểu (Quốc hội), khóa trước thông qua, khóa sau phê chuẩn.
Điều 96 Hiến pháp năm 1947 của Nhật Bản quy định: những sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sau khi được ít nhất 2/3 tổng số thành viên cả hai Viện của Quốc hội tán thành, những sửa đổi, bổ sung này sau đó còn phải được đa số nhân dân đồng ý (chuẩn y) trong một cuộc trưng cầu ý dân đặc biệt hoặc bằng một cuộc bỏ phiếu theo quyết định của Quốc hội. Những sửa đổi Hiến pháp được phê chuẩn theo thủ tục như trên phải được Hoàng đế nhân danh nhân dân ban hành ngay và trở thành một phần không tách rời của Hiến pháp này.