Tham gia nhiều kỳ thi sẽ tạo thêm áp lực
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, tuyển sinh đại học, cao đẳng tác động trực tiếp, hệ trọng tới trước hết gần 1 triệu học sinh lớp 12 mỗi năm.
Việc gần 600.000 học sinh mỗi năm vào đại học, cao đẳng, học trường nào, ngành nào là một trong những yếu tố quyết định tương lai không chỉ của bản thân từng học sinh và gia đình, mà còn là tương lai của đất nước, toàn xã hội.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm, bên cạnh mục tiêu đánh giá việc dạy và học của các trường THPT, mà còn để lấy căn cứ cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển.
Khi thực hiện tự chủ, các trường đại học xây dựng các phương thức xét tuyển khác nhau, tổ chức các hình thức thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy, thi năng khiếu, xây dựng các tiêu chí xét tuyển, công bố điều kiện, phương thức xét tuyển, và phối hợp với nhau xét tuyển chung trong hệ thống để bảo đảm tính công bằng, sự tin cậy, bình đẳng trong hệ thống, tạo cơ hội tốt nhất cho người học.
Các trường tổ chức kỳ thi riêng tùy theo nhu cầu tuyển sinh, đặc thù của từng lĩnh vực. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các trường dù tuyển sinh theo phương thức nào, sử dụng kết quả các kỳ thi riêng hay dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT thì cần đánh giá, phân tích tương quan giữa các phương thức, kết quả tuyển sinh, kết quả học tập. Từ đó sẽ rút được kinh nghiệm, đưa ra các phương thức phù hợp, bảo đảm công bằng cho thí sinh và chất lượng đầu vào.
Chia sẻ với thí sinh xét tuyển đại học năm 2023, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: "Các em không nhất thiết phải tham gia nhiều kỳ thi. Các em chỉ cần tham gia một kỳ thi tốt nghiệp THPT và một kỳ thi riêng là đủ. Bên cạnh đó, kỳ thi nào cũng sẽ tập trung đánh giá năng lực, kết quả học tập bậc phổ thông, do đó, tham gia nhiều kỳ thi sẽ tạo thêm áp lực cho các em".
Được biết, năm 2022, nhiều cơ sở đào tạo giáo dục đại học đã đưa ra nhiều phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học, ví dụ:
TT | Phương thức xét tuyển | Tỉ lệ |
1 | Thi văn hóa do CSĐT tổ chức để xét tuyển | 0,50% |
2 | Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển | 0,25% |
3 | Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển | 0,27% |
4 | Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển | 0,13% |
5 | Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển | 0,26% |
6 | Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển | 0,50% |
7 | Xét tuyển qua phỏng vấn | 0,00% |
8 | Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển | 0,01% |
(Nguồn Bộ GD-ĐT)
Không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, so với nhiều năm trước đây, công tác thi và tuyển sinh đã trở nên nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, ngày càng công bằng hơn, tạo cơ hội thuận lợi lựa chọn các ngành học tốt nhất cho thí sinh.
Tuy nhiên, mỗi năm, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn những sai sót, bất cập, cần phải nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, bởi mỗi sai sót nhỏ có thể tác động rất lớn đến toàn hệ thống.
Theo thứ trưởng Sơn, đối với các trường đại học tổ chức thi riêng, cũng như tổ chức thi năng khiếu có thể làm việc với Bộ GD-ĐT để mở Cổng để cập nhật dữ liệu. Việc cập nhật dữ liệu lên cổng thông tin tuyển sinh sẽ thuận lợi cho các trường sử dụng kết quả kỳ thi này, cũng như cho thí sinh.
Khi đó, không nhất thiết các trường phải tổ chức xét tuyển sớm mà có thể chờ dữ liệu học bạ, dữ liệu kết quả các kỳ thi khác trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng khiếu, kỳ thi tốt nghiệp THPT,... để có thể tổ chức xét tuyển chung.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu, các trường tổ chức xét tuyển sớm, không được phép công bố các em hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển cũng như không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định.