Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương, 218 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc điều chỉnh đối với hoạt động của hộ kinh doanh trong dự án Luật. Trên cơ sở đa số ý kiến ĐBQH , Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng bỏ quy định tại Chương VIIa về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (Điều 199a). Để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh (khoản 4 Điều 217 quy định về điều khoản thi hành).
Tại điều 7, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp. Tiến hành khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định pháp luật. Doanh nghiệp cũng được quyền từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có nhiều bổ sung về quyền, nghĩa vụ của cổ đông phổ thông. Theo đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông là 5% và không phải chấp hành điều kiện sở hữu cổ phần ít nhất 06 tháng liên tục như Luật Doanh nghiệp năm 2014, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các cổ đông. Các cổ đông phổ thông và cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty đều có quyền: Xem xét, tra cứu và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm và các báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty; Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết; và thực hiện một số quyền khác theo Điều lệ công ty.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định, công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng chào bán trái phiếu riêng lẻ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Riêng việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng là chào bán không thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ cần đáp ứng một số điều kiện về đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, đối tượng được mua trái phiếu riêng lẻ trong trường hợp này gồm: Nhà đầu tư chiến lược đối với trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ; Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với trái phiểu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ và loại trái phiếu riêng lẻ khác.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.