|
PV: Thưa nhạc sỹ, đánh giá về nền âm nhạc đương đại hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau, ở góc độ cá nhân ông có nhận xét gì?
NS AN THUYÊN: Đúng là âm nhạc Việt Nam đương đại hiện nay còn nhiều nhược điểm, tuy nhiên âm nhạc mang tính thời đại không thể so sánh với thời trước để cho rằng âm nhạc hiện nay thấp kém. Ví như Nổi lửa lên em của Huy Du, nếu so sánh như thế, đặt trong bối cảnh bộ đội ngày nay dùng toàn bếp ga để nấu cơm thì nó đâu còn giá trị. Cho nên trong thời đại hiện nay, đặc biệt là đối với lớp trẻ, tôi cho rằng họ rất có tài năng, và họ chưa làm hay chứ không phải yếu kém. Lý giải nguyên nhân của việc âm nhạc hiện nay chưa hay là bởi tính chất chuyên nghiệp của nó chưa cao, mạnh ai người ấy làm. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tất cả đều tiến tới tính chuyên nghiệp, thống nhất cao như trong kinh tế thì có các tập đoàn, thế nhưng âm nhạc thì vẫn hoạt động theo kiểu “buôn thúng bán mẹt”. Trong khi trở thành tập đoàn sẽ tạo được sự thống nhất về định hướng, quản lý, đồng thời đảm bảo được cả yếu tố kinh tế. âm nhạc cũng cần có những yếu tố này để khắc phục những nhược điểm mà bấy lâu người ta vẫn kêu ca khi nói về âm nhạc đương đại.
PV: “Ra ngõ gặp nhạc sỹ” là hiện tượng khá phổ biến trong đời sống âm nhạc hiện nay, thế nhưng chất lượng của nhiều sáng tác chưa thực sự cao. Ông lý giải vấn đề này như thế nào?
NS AN THUYÊN: Ra ngõ gặp nhạc sỹ - Đó là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều sáng tác hiện nay thiếu chất lượng, theo tôi là vì người nhạc sỹ đang bị cắt mạch với cuộc sống, cắt mạch với cái vốn văn hóa đã gắn bó với con người Việt Nam. Chất dân gian gắn bó trong chính cuộc đời họ, mảnh đất của họ nơi đã đẻ ra một nền văn hóa không bao giờ mất. Bởi vậy âm nhạc cần gắn bó với đời sống. Ngồi bàn giấy, cặm cụi bên máy tính thì chỉ mới thấy một phần cuộc sống. Nghệ thuật cần quan tâm đến con người, đến văn hóa dân tộc; con người không thể chỉ khai thác lúc buồn mà phải khai thác cả lúc vui. Người nhạc sỹ khi sáng tác không thể chỉ đổ về một phía mà phải hướng đến cái chung, cái tôi toàn diện mang tính đại diện.

PV: Âm nhạc Việt hiện nay dường như ảnh hưởng của nước ngoài quá nhiều, trong khi thực chất nếu chúng ta chạy theo xu hướng đó sẽ luôn ở thế tụt hậu và nguy hiểm hơn là đánh mất bản sắc dân tộc?
NS AN THUYÊN: Hội nhập thì việc các dòng nhạc nước ngoài ảnh hưởng đến đời sống âm nhạc của chúng ta là lẽ đương nhiên và cần thiết. Tuy nhiên để hội nhập một cách tốt nhất là chúng ta phải thể hiện được bản sắc dân tộc mình trong từng ca khúc, đó chính là cái vốn để chúng ta hội nhập. Cái vốn đó là cái nôi văn hóa, là cái hồn của người Việt Nam. Một ca khúc mang sắc thái dân tộc Việt Nam thì kể cả người hát mặc quần bò, áo thun thì vẫn đậm chất Việt Nam, còn nếu không quần lĩnh, áo the cũng chả phải người Việt Nam. Văn hóa là gốc, người nhạc sỹ không chỉ nắm được chuyên môn, hoà nhập với âm nhạc thế giới đương đại mà quan trọng hơn thấm nhuần văn hóa. Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước..., hay như bản thân tôi, trong mỗi sáng tác chất văn hóa dân gian như một dòng chảy đến một cách rất tự nhiên. Chính chất văn hóa dân tộc tạo nên chiều sâu, và vẻ đẹp lung linh trong từng ca từ, thiếu nó thì âm nhạc sẽ trở nên nhạt nhoà, thiếu sức sống. Các nhạc sỹ trẻ hiện nay dường như chưa chú ý đến yếu tố này nên dòng nhạc thị trường thường thiếu chiều sâu. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập chúng ta cần quan tâm đến vấn đề quảng bá, giới thiệu về những sản phẩm mang đậm chất Việt Nam.
PV: Ông vừa nói đến chất dân gian trong âm nhạc hiện đại và đó là cái vốn để chúng ta hội nhập. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
NS AN THUYÊN: Dứt khoát chúng ta phải tìm ra con đường âm nhạc Việt Nam đương đại. Ngày xưa ta có âm nhạc cổ điển, giờ âm nhạc không thâm trầm bác học theo kiểu cổ điển ngày xưa, không khí điện tử công nghệ thông tin bùng nổ. Việc âm nhạc chúng ta tiếp thu công nghệ hiện đại, yếu tố nước ngoài là rất tốt nhưng quan trọng khi hát lên, tấu đàn lên, người ta biết ngay đó là Việt Nam. Tất nhiên, âm nhạc Việt Nam hội nhập quốc tế không đơn giản, ngôn ngữ tiếng Việt để hội nhập thì có lẽ rất vất vả, không hy vọng phổ cập như tiếng Anh và tiếng các nước khác. Tôi nói ví dụ như bài hát Ca dao em và tôi ở Việt Nam được rất nhiều người yêu thích nhưng để dịch ra tiếng Anh thì rất khó. Muốn hội nhập, thứ nhất thì phải có hơi thở chung, thứ hai là bản sắc. Bản sắc càng cao thì tính hội nhập càng lớn. Đối với bạn trẻ, yếu tố quốc tế không kém, họ truy cập mạng, học trước rất nhanh, nhưng chỉ nhái lại thì không được mà phải biến nó thành của Việt Nam. Sự kết hợp như thế sẽ phát huy được vốn văn hóa truyền thống, đồng thời làm nó lớn lên chứ không mất đi trong quá trình hội nhập.
Đinh Thị Loan thực hiện